Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết trong tháng 11 chỉ đạt 490 triệu USD, là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp nguồn vốn FDI cam kết giảm, dẫn đến tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết có chiều hướng giảm sâu hơn vào những tháng cuối năm. Mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đề ra năm 2016 là 23 tỷ USD sẽ khó có thể đạt được.

fdi_gmzh.jpg
Vốn FDI cam kết giảm nhưng dòng vốn giải ngân vẫn liên tiếp tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết tháng 11, cả nước có 3.315 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nguyên nhân dẫn tới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp so với mục tiêu đề ra, chủ yếu là những quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn vào Việt Nam gặp khó khăn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc...

Việc Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ không thông qua Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn, dẫn tới nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm đi.

Vốn FDI sụt giảm cũng đến từ chính sách siết các dự án đầu tư nước ngoài có liên quan đến môi trường của Việt Nam. Nhiều địa phương lên tiếng khẳng định không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư bằng mọi giá.

 Ông Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam cho biết, khả năng tới đây thị trường thế giới dự báo tiếp tục có những điều chỉnh giữ nguyên hoặc đi xuống, khó khăn còn dài.

“Nhu cầu của thị trường kinh tế thế giới không cao nên Việt Nam có thể mặt này mặt khác đẩy mạnh được thị trường nhưng cũng không phải quá nhiều. Về thu hút FDI thì trong định hướng của Chính phủ đã nói rõ là chúng ta sẽ thu hút phát triển kinh tế tư nhân và thu hút FDI một cách có chọn lọc, hợp lý chứ không phải thu hút bằng mọi giá, thu hút FDI không phải trả giá bằng môi trường”, ông Thái cho biết.

Trong bối cảnh các lĩnh vực của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng đã trở thành điểm sáng. Gần đây, nhiều báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh quý 3 năm nay của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cộng đồng doanh nghiệp thành viên duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường Việt Nam và các hoạt động kinh doanh trong nước.

Báo cáo thường niên về Chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc lên vị trí 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được xếp hạng.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một thị trường lớn và cực kỳ tốt dành cho các nhà đầu tư. Có thể thấy rằng Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và có những vùng kinh tế phát triển bền vững.

“Hiện Việt Nam đã chú trọng vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trực tiếp để từ đó có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Cụ thể, Việt Nam đã sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả trong việc liên kết nguồn vốn với sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài bên cạnh việc hỗ trợ các công ty trong nước phát triển”, ông Sebastian Eckardt nhận xét.

Có thể nhận thấy, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhưng vốn giải ngân vẫn liên tiếp tăng so với cùng kỳ năm trước cho thấy xu hướng tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến hết tháng 11, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế thì đây là tín hiệu tốt, phản ánh thực chất hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Vốn FDI giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giải ngân vẫn tăng ở mức khoảng trên 8% là tín hiệu tích cực. Bởi thời gian vừa qua, nhất là khi Mỹ công bố ông Donnal Trump thắng cử, dòng vốn ngoại đã rút khỏi thị trường mới nổi rất mạnh, khoảng 15 tỷ USD và rất may là thị trường Việt Nam khá ổn định và vốn rút chưa phải là nhiều”, ông Lực nhận định.

Các chuyên gia khẳng định, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 11 tháng qua giảm, thậm chí tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả năm nay có thể giảm, thực sự không đáng lo nếu chúng ta tiếp tục giữ được tốc độ giải ngân dòng vốn này.

Điều cần quan tâm là Việt Nam chọn được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển, như ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo./.