Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), có nhiều yếu tố ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó công nghệ của doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng. Khảo sát nhiều năm qua cho thấy, mức độ cải thiện công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam so với chính mình thì có cải thiện, nhưng so với thế giới và khu vực (Trung Quốc, Thái Lan…) thì sự cải thiện rất thấp. Trong khi đó, sự phát triển năng lực sáng tạo và công nghệ của đất nước sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Èo uột chuyển giao công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước

Kết quả khảo sát “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp: Kết quả điều tra năm 2010-2014” do Viện CIEM và Nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, các doanh nghiệp có thể nhận thức được lợi ích của sự đổi mới công nghệ nhưng họ lại thiếu năng lực và nguồn lực để thực hiện. Trong số nhiều nguyên nhân, khảo sát chỉ ra rằng, hạn chế về tài chính là chủ yếu, sau đó là thiếu lao động có tay nghề và tiếp cận với thiết bị.

dnfdi_yklm.jpgDN FDI chưa chuyển giao công nghệ sang DN nội địa như kỳ vọng của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Hơn nữa, trong khi nhiều năm gần đây Việt Nam thu hút vốn FDI tăng mạnh, trong đó có kỳ vọng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, sau khi được hưởng nhiều ưu đãi, sẽ trả lại là sự chuyển giao công nghệ lan tỏa sang khối doanh nghiệp nội địa để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho kết quả không như kỳ vọng: Khoảng 80% chuyển giao công nghệ thường đến từ các doanh nghiệp trong nước trong 5 năm qua, nếu xem xét cả doanh nghiệp trong cùng ngành và khác ngành. Trong khi đó, các công ty nước ngoài và các lĩnh vực khác chiếm dưới 20% chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

TS. Neda Trifkovic, Trường Đại học Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu báo cáo, còn cho hay: Một số thay đổi giữa các năm là rất rõ ràng. Trong khi năm 2009, chỉ có 1% công nghệ chuyển giao từ các doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước, đến năm 2013, đã tăng lên 10%; và tăng lên 35% vào năm 2011 và 2012. Nhưng sau đó đã giảm tới khoảng 30%.

‘Xu hướng này có thể được giải thích chủ yếu do bản chất cạnh tranh của mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện tượng chèn ép các doanh nghiệp địa phương là một quan ngại vì chiến lược của các doanh nghiệp trong nước thường dựa trên việc sao chép và thích ứng kinh nghiệm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại không dễ dàng tiết lộ các bí quyết”- TS Neda Trifkovic cảnh báo.

Chính sách thu hút FDI cần xem lại tiêu chí về chuyển giao công nghệ

Với thực tế chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN nội như nêu trên, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Christian Brix Moller, bình luận: Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc doanh nghiệp FDI vào sẽ chuyển giao công nghệ sang cho doanh nghiệp nội địa, nhưng thực tế, doanh nghiệp nội thường chuyển giao công nghệ cho nhau nhiều hơn là được hưởng chuyển giao từ doanh nghiệp FDI.

“Đây là một điểm rất đáng lưu ý để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam xem xét trong chính sách thu hút FDI. Vì lâu nay Việt Nam thường nhấn mạnh đến yếu tố chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI vào nội địa”- ông Moller lưu ý.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong câu chuyện chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN nội địa tại Việt Nam, liên quan đến sự dịch chuyển lao động là người Việt. Các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, kỹ năng và kinh nghiệm của nhân viên mới là một nguồn quan trọng của chuyển giao công nghệ, 84% người lao động của các doanh nghiệp FDI là người Việt, 15,5% là người ngước ngoài làm việc tại Việt Nam và 0,5% là người hồi hương. Qua khảo sát, tác động lan tỏa từ chuyển giao công nghệ tại Việt Nam không phải đến từ các nguồn nước ngoài, mà là các doanh nghiệp trong nước trong trường hợp coi sự chuyển giao công nhân như là một kênh của công nghệ mới.

Chỉ ra yếu tố quan trọng chi phối đến tác động lan tỏa về chuyển giao công nghệ, TS Neda Trifkovic cho biết: Sự tham gia của các công ty nước ngoài có thể dẫn đến sự cạnh tranh lớn hơn trên thị trường, từ đó có thể tăng năng suất của doanh nghiệp trong nước nhờ giảm bớt sự kém hiệu quả hoặc giảm năng suất do giảm thị phần. Thực tế mấy năm gần đây, mức độ cạnh tranh giữa các ngành là khác nhau. Một số ngành áp lực cạnh tranh cao (trung bình có 20 đối thủ) như: sản xuất đồ nội thất, ngành công nghiệp dược phẩm, lọc dầu, in ấn, công nghiệp giấy.

Cùng với đó, cạnh tranh lớn nhất là trong tỉnh (với các ngành công nghiệp có áp lực cạnh tranh cao nhất, như dược phẩm, dầu khí) so với cạnh tranh quốc gia. Cạnh tranh quốc tế nghiêm trọng nhất trong ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc thiết bị, dược phẩm.

Từ những thực tế này, TS Neda Trifkovic cho rằng, doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường trong nước khác địa phương và nước ngoài không được ưu tiên ở Việt Nam. Trong khi thu được những lợi ích từ việc xuất khẩu có thể làm khó khăn hơn cho cả hai mục tiêu, thì chiếm lĩnh thị trường trong nước ở địa phương khác nên là bước đầu tiên và được quan tâm hơn trong các kế hoạch chính sách công nghiệp.

Nhìn chung, TS Neda Trifkovic bình luận: chuyển giao công nghệ ở Việt Nam chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước. Điều đó cho thấy, FDI có thể không hiệu quả đối với những tiến bộ công nghệ. Cùng lúc, doanh nghiệp trong nước, có khả năng sử dụng công nghệ thấp kém hơn so với các công ty nước ngoài, khi các công ty nước ngoài là nguồn cung ứng các giải pháp công nghệ tiên tiến, do đó vai trò của họ sẽ trở nên quan trọng hơn.

“Việc thiếu học hỏi giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cho thấy rằng, cần có những nỗ lực chính sách bổ sung trong việc thu hút và quản lý FDI để có được hiệu ứng lan tỏa. Mặc dù xuất khẩu được coi là quan trọng đối với hoạt động phát triển và đổi mới của doanh nghiệp. Nhưng, trong trường hợp Việt Nam, bước phù hợp cho các doanh nghiệp trong nước là mở rộng thị trường trong nước sang các thị trường ngoài địa phương. Đây có thể là một mục tiêu ngắn hạn có thể đạt được và sẽ giúp các doanh nghiệp trang bị tốt hơn để thâm nhập và tồn tại trong thị trường xuất khẩu trong thời gian dài”.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan bình luận: Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, lâu nay, trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam có điểm sai. Vì chúng ta ưu đãi cho DN FDI với kỳ vọng họ chuyển giao công nghệ vào trong nước, nhưng thực tế con số chỉ 20% doanh nghiệp FDI tham gia vào chuyển giao công nghệ, còn 80% do DN nội làm. Chứng tỏ chúng ta ưu đãi thừa cho DN FDI. Họ không chuyển giao công nghệ mà vẫn nhận ưu đãi. Đây là một biểu hiện tâm lý sính ngoại, cứ cho rằng DN FDI mới chuyển giao được công nghệ, nhưng thực tế đã ngược lại. Do đó, Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận để làm chính sách thu hút FDI, tránh sự phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN nội địa”./.

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổng cục Thống kê và Nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa công bố báo cáo "Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: kêt quả điều tra năm 2010-2014. Khảo sát được thực hiện với gần 8.000 doanh nghiệp (cả doanh nghiệp FDI và DN nội địa).