Tại cuộc Đối thoại trực tuyến “Quảng Ngãi - Bước đột phá về phát triển công nghiệp” do Báo Công Thương tổ chức sáng 8/4, ông Phạm Như Sô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi tăng trưởng với tốc độ cao, được đánh giá là một trong những KKT phát triển nhanh và thành công.

dung%20quat%20qn.jpg

Ông Sô cũng cho biết, hiện nay đã có 113 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, với trên 73 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra khoảng gần 14.000 việc làm.

Đặc biệt, tại Dung Quất đã hình thành Trung tâm công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam, bao gồm Nhà máy lọc dầu, Nhiệt điện, thép, Nhà máy Polypropylene, Nhà máy bao bì nhựa, Nhà máy đóng tàu, Tổ hợp nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, Nhà máy nhiên liệu sinh học, các nhà máy công nghiệp cơ khí, sản xuất bột giấy- giấy, sản xuất xi măng, hệ thống cảng và các dịch vụ công nghiệp, dịch vụ đô thị…

Cũng theo ông Phạm Như Sô, năm 2013, tổng giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ thương mại tại KKT Dung Quất đạt 130.000 tỷ đồng, tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 30.500 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), trong đó đóng góp KKT Dung Quất là 28.000 tỷ.

Trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, ông Sô cho biết, tỉnh Quảng Ngãi xác định 3 nhiệm vụ đột phá là phát triển công nghiệp, phát triển đô thị và phát nguồn nhân lực. Trong đó, phát triển công nghiệp được đặt lên hàng đầu với tốc độ tăng trưởng phấn đấu 5 năm là tăng 17-18%.

Đặc biệt, trên nền tảng các KCN hiện tại, Quảng Ngãi đang dự tính tiếp tục mở rộng một số KCN mới trong  KKT Dung Quất và KCN khác trong tỉnh. Mục tiêu đến 2015 là tổng nguồn vốn thu hút đầu tư vào các KCN lên 15 tỷ USD.

“Hiện tại tỉnh đã đầu tư cho các KCN và KKT rất lớn về hạ tầng. Vì thế, ngoài những doanh nghiệp và  nhà đầu tư cũ, hiện đang có một luồng đầu tư mới tập trung vào KKT Dung Quất, ngoài VSIP thì còn có một tập đoàn của Singapore đang nghiên cứ đầu tư dự án điện khoảng 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhà đầu tư của Nhật cũng đang tính đến việc xây dựng một nhà máy thép công suất 7 triệu tấn/năm”, ông Sô nói.

Được biết, hiện tỉnh Quảng Ngãi đang thuê một cơ quan tư vấn của Nhật quy hoạch tại khu cảng nước sâu Dung Quất 2, tại đây có độ sâu mớn nước lên tới 20 - 24 mét, tàu trên 300.000 tấn có thể vào cảng này, KCN Dung Quất 2 tương lai sẽ nằm ở đây. Tỉnh Quảng Ngãi có quyết tâm lớn trong thành lập các KKT, KCN và tạo đột phá trong phát triển công nghiệp.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, mặc dù có địa lý khó khăn, nhưng công nghiệp nặng ở Quảng Ngãi lại phát triển rất tốt với nhiều dự án lớn. Cụ thể, Quảng Ngãi có dự án cơ khí trên 300 triệu USD, chế biến khoáng sản có nhà máy lọc dầu Bình Dương; luyện kim đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nhà máy thép Dung Quất công suất 7 triệu tấn thép/năm.

“Dù vị trí địa lý không có nhiều thuận lợi, nhưng Quảng Ngãi lại thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Lý do chủ yếu là nhờ lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cần và đủ về hạ tầng cơ sở, cơ chế chính sách ổn định, thủ tục hành chính và điểm mấu chốt chính là các nhà lãnh đạo đã đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Quân khẳng định./.