Hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, bày tỏ lo lắng trước quy định mới mà Bộ Khoa học và Công nghệ vừa đưa ra, theo đó máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu phải có thời gian không quá 5 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.
Ông Lê Xuân Vinh, Phó phòng Xuất nhập khẩu Công ty Datalogic Việt Nam, cho biết, nhà máy của công ty ở Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) chuyên sản xuất máy quét mã vạch các loại.
Ngoài việc sản xuất và phân phối sản phẩm ở Việt Nam và nhập khẩu, Datalogic Việt Nam còn được công ty mẹ giao thêm công việc cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo trì sản phẩm. Do đó, công ty phải nhập dây chuyền, thiết bị cũ, đôi khi phải trên 5 năm sử dụng, nhưng tương thích với sản phẩm đã làm ra trước đây.
Trong khi đó, Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định từ ngày 1/9 tới việc nhập khẩu những máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng những điều kiện thời gian không quá 5 năm là rất khó cho doanh nghiệp.
Nếu những dây chuyền sản xuất này bị hỏng thì họ buộc phải nhập những thiết bị cũ mới có thể tương thích được. Do đó, quy định trên nếu áp dụng sẽ rất khó cho nhiều doanh nghiệp khi máy móc, dây chuyền sản xuất đang hoạt động có vấn đề cần sửa chữa hoặc thay thế.
Ngoài quy định về thời gian của máy móc, thiết bị nhập khẩu không quá 5 năm sử dụng, Thông tư 20 còn ràng buộc máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu phải có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.
Theo ông Vinh của Datalogic Việt Nam, quy định này rất khó thực thi bởi có những sản phẩm, thiết bị, dây chuyền này do chính Datalogic lắp ráp, phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính tập đoàn và của những công ty thành viên thì các đơn vị, cơ quan khác không thể giám định, đánh giá những thiết bị, dây chuyển đó còn giá trị như thế nào!
Theo ông Nguyễn Nội thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua vào Việt Nam nhìn chung là những thiết bị cũ, công nghệ còn kém, lạc hậu; một số thiết bị nhập có nguồn gốc từ những nước không đảm bảo chất lượng và đưa vào sản xuất không đảm bảo về môi trường. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu chấn chỉnh điều này và Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra quy định như trên nhằm đảm bảo những thiết bị, móc móc và công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam không quá lạc hậu.
Trong khi đó, theo ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan, trước đây Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã từng có yêu cầu nhập máy móc phải có chất lượng 80% trở lên so với chất lượng ban đầu, nhằm hạn chế nhập khẩu những máy móc kém chất lượng và gây ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi triển khai thực tế tại cửa khẩu hải quan đã phát sinh một số vướng mắc ở khâu giám định. Bộ Khoa học Công nghệ chưa nêu rõ cơ quan nào được phép giám định những máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng có đạt tỷ lệ như quy định hay không và hải quan phải cho nhập khẩu chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu phải tự cam kết máy móc, công nghệ nhập khẩu đó không gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường...
Theo ông Tuấn, quy định trên của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ yếu theo Chỉ thị của Thủ tướng nhằm hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ cũ, trong đó đối tượng tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, còn đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặc biệt là doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, việc nhập khẩu máy móc, nhất là các dây chuyền sản xuất cần có cơ chế quản lý phù hợp.
Ông Tuấn cho biết, Tổng cục Hải quan cũng đang tập hợp vướng mắc này của doanh nghiệp để kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.