Có lẽ ngay những lời quảng cáo cho vay hấp dẫn dán đầy các cột điện, tường rào đã phần nào cho thấy lý do “tín dụng đen” có thể “sống khỏe”. Tất cả đều rất nhanh gọn, không cần thế chấp, chỉ cần bấm điện thoại, cung cấp một số giấy tờ tùy thân đơn giản là có thể cầm tiền giải quyết công việc.

Bà Nguyễn Thị Hà, tiểu thương ở chợ Thị Nghè, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Vay ngân hàng thủ tục chậm trễ, thế chấp rườm rà, phải thế chấp nhà cửa thì mới cho. Dân buôn bán cần vay trong ngày hoặc 1 -2 ngày thôi. Thành thử ra vay ở ngoài nhiều, mà lãi suất rất cao, 30% lận”.

Vậy là các đối tượng “tín dụng đen” đã đạt được mục đích, “đánh” thẳng vào điểm yếu của người dân là ngại rườm rà và không có gì thế chấp để vay ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng hợp pháp. Chưa kể, không ít nạn nhân của “tín dụng đen” sập bẫy vì thiếu hiểu biết, họ cho rằng, chỉ vay vài ngày rồi, lãi cao một chút nhưng số tiền không quá lớn nên không đáng lo. Và rồi lãnh trọn trái đắng.

11a_aybr_1456965398124_gcbj.jpg
Những tờ rơi, quảng cáo dịch vụ cho vay tiền như thế này được dán khắp nơi, từ cột điện, tường nhà cho đến các box điện. (Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay ở tất cả các địa phương đều đã có mạng lưới các ngân hàng và các tổ chức tín dụng rộng khắp phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đối tượng người lao động có thu nhập thấp đều rất khó tiếp cận nguồn vốn này bởi phần lớn họ không có tài sản thế chấp, không có phương án kinh doanh và không chứng minh được thu nhập ổn định hàng tháng. Chưa kể, thủ tục cho vay cũng khá rườm rà, phức tạp và phải chờ đợi lâu nên nảy sinh tâm lý e ngại.

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, chuyên gia kinh tế phân tích:“Nhu cầu của “tín dụng đen” thì rất nhiều, đó là những người có thu nhập thấp, người dân ở các tỉnh thành phố khác di dân về, khiến nhu cầu tín dụng này tăng trưởng, tạo môi trường cho “tín dụng đen” phát triển”.

Dĩ nhiên, phía ngân hàng cũng có lý của họ khi ngại cho vay tín chấp đối với các trường hợp này vì nhiều rủi ro, tốn nhiều chi phí quản lý và thu nợ. Do đó đã tạo thành rào cản khiến người nghèo, người có thu nhập thấp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống, hệ quả là họ buộc phải tìm đến “tín dụng đen”.

Còn ở góc độ pháp lý, cơ quan công an có chức năng phát hiện và xử lý đối với các hành vi trái pháp luật nhưng cũng lúng túng khi xử lý “tín dụng đen”. Theo Công an tỉnh Đồng Nai, các băng nhóm “tín dụng đen” thường có thủ đoạn núp bóng doanh nghiệp cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ. Chúng hoạt động tinh vi, tạo vỏ bọc bằng hình thức kinh doanh hợp pháp để phạm tội khiến công tác đấu tranh triệt pháp của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh đánh giá: Các đối tượng che giấu, biến tướng bằng cách không ghi lãi suất trong hợp đồng, giấy vay tiền, yêu cầu người vay ký giấy bán tài sản. Nếu người vay không trả nợ được thì chúng siết tài sản để trừ nợ. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì trình ra hợp đồng đã ký chứng minh là giao dịch dân sự thông thường, không có nội dung thể hiện cho vay nặng lãi nên cơ quan điều tra hết sức khó khăn trong việc xử lý các đối tượng này”.

Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo công an thành phố thừa nhận, mặc dù lực lượng đã khoanh vùng, xác định được các đối tượng và hành vi cho vạy nặng lãi nhưng rất khó xử lý. Trong năm 2018, công an thành phố đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản 60 nhóm, 320 đối tượng có vi phạm hoạt động tín dụng không có giấy phép hoặc vi phạm về lãi suất cho vay, nhưng hầu hết các trường hợp chỉ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý những vi phạm không đáng kể như vi phạm đăng ký tạm trú, còn phổ biến là vi phạm gây mất trật tự công cộng./.

Bài viết cùng loạt bài "Tín dụng đen hoành hành":

Bài 1: Những chiếc "vòi bạch tuộc" tín dụng đen hoành hành

 Bài 3: “Dẹp loạn” “tín dụng đen” thế nào?