Vào thời điểm cuối năm, tình trạng tín dụng đen “hoành hành” khắp nơi. Tại các ngõ xóm, khu công nghiệp, từ thành thị tới nông thôn, từ Thủ đô tới các tỉnh xa xôi, bất cứ chỗ nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy các tờ rơi công khai mời chào vay vốn được dán trên cột điện, tường nhà... Các cơ sở kinh doanh tài chính này hoạt động công khai hoặc núp dưới hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính.
Thực tế cho thấy, nhu cầu mua sắm tiêu dùng luôn có, đặc biệt là vào dịp cuối năm, song không phải ai cũng có thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Với những khoản vay nhỏ, nhiều người không muốn và cũng không đủ điều kiện để vào ngân hàng làm thủ tục vay. Vì vậy, dù có mức lãi suất cắt cổ nhưng thị trường tín dụng đenvẫn luôn hút khách. Nhu cầu vay tiêu dùng lớn chính là điều kiện để thị trường này phát triển mạnh.
Những tờ rơi quảng cáo hỗ trợ tài chính như thế này được dán nhan nhản tại nhiều ngõ ngách của phố phường Hà Nội. |
Trao đổi với PV, chủ một cửa hiệu cầm đồ kiêm cho vay “tín dụng đen” trên đường Láng (Hà Nội) cho biết, như mọi năm, vào thời điểm cuối năm, lượng người tìm đến các dịch vụ cho vay tiền khá nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7, 8 khách hàng tìm đến cửa hiệu của anh đề nghị được vay vốn. Tùy theo lượng tiền nhiều hay ít mà số tiền lãi dao động từ 5.000-7.000 đồng cho món vay 1 triệu đồng trong ngày. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có chứng minh nhân dân, bằng lái xe hoặc sổ hộ khẩu photo là người vay có thể sở hữu được số tiền mình mong muốn.
Mặc dù biết rằng lãi suất cao ngất ngưởng, gấp chục lần, thậm chí gấp vài chục lần vay tại ngân hàng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vay “tín dụng đen” để giải quyết công việc của mình.
Anh Nguyễn Quang Thanh, chủ một cửa hàng bán đồ tạp hóa trên phố Cầu Giấy cho biết, những tháng cuối năm, phải cần một khoản vốn khoảng 70 triệu đồng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết, tuy nhiên, việc tiếp cận và vay vốn từ ngân hàng tại thời điểm này không dễ nên anh đã “liều” vay vốn “tín dụng đen”.
Anh Thanh tính toán, với mức vay 5.000 đồng lãi cho món vay 1 triệu đồng trong ngày, khi nhân lên là 350.000 cho món vay 70 triệu đồng trong ngày, vay trong vòng 3 tháng, số tiền lãi sẽ khoảng 31.500.000 đồng, đây là con số không hề nhỏ… Vẫn biết, mức lãi suất này là rất cao nhưng anh Thanh vẫn phải “cắn răng” vay để có tiền phục vụ cho việc kinh doanh…
Không thể phủ nhận lợi ích của những dịch vụ “tín dụng đen” tự phát trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của một bộ phận người dân trong xã hội. Tuy nhiên, dịch vụ này lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả gây bất ổn xã hội, biểu hiện là những hành vi: xiết nợ, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… làm mất uy tín danh dự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN chỉ ra 3 nguyên nhân lớn dẫn tới sự xuất hiện của tín dụng đen và diễn biến phức tạp của nó. Thứ nhất đối tượng cho vay rất tinh vi. Thứ hai, đối tượng đi vay giấu giếm không chịu nói ra đến khi xảy ra sự việc thì mới biết. Thứ ba, các quy định theo Luật tuy đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể và trong quá trình xử lý điều tra gặp khó.
Hơn nữa, tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức vẫn còn có quy mô lớn, tạo mảnh đất cho tín dụng đen phát triển. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ, gần đây có thể kể đến cho vay ngang hàng, cho phép cho vay trực tuyến, rất tinh vi và ngày càng phổ biến.
Tình trạng tín dụng đen kéo dài đã nhiều năm nay và vẫn len lỏi, phát triển không ngừng. Việc ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là một yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành tín dụng, ngân hàng và các cấp chính quyền, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân.
Luật sư Phạm Chính Tâm - Công ty Luật TNHH Legal Max cho rằng, pháp luật đã có những quy định rõ ràng và đầy đủ về mặt dân sự cũng như hình sự. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng có các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động "tín dụng đen" được chủ yếu thông qua các giao dịch dân sự, muôn hình vạn trạng nên rất khó kiểm soát.
“Để siết chặt quản lý “tín dụng đen”, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Đồng thời, khuyến khích người dân khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đối với các trường hợp cho vay trái pháp luật. Cùng với đó, Chính phủ nên có những quy định đối với hoạt động tín dụng phi pháp bằng cách đưa vào quản lý, đồng thời tạo điều kiện để các công ty tài chính phát triển thay thế tín dụng đen dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước”, luật sư Phạm Chính Tâm cho hay./.
Tín dụng đen biến cả chủ nợ lẫn con nợ thành tội phạm
“Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi gây bức xúc trong nhân dân