Hôm nay (17/10), tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với các Bộ: Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và công nghệ, Y tế, Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội về việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; công tác chuẩn bị các báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.

vov_mai_tien_dung_sxvb.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh còn rất thấp so với yêu cầu. (Ảnh: Nguyễn Hằng).

Theo yêu cầu của Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo là phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành mới chỉ cắt giảm được 1.517/6.191 điều kiện kinh doanh và 1.700/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ cắt giảm này còn thấp so với thực tế đặt ra và hiện còn rất nhiều điều kiện, thủ tục, hàng hóa vẫn phải quản lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, mong đợi của Thủ tướng là có sự cải cách mạnh hơn nữa và đến cuối tháng này là hạn cuối cùng để các bộ ngành hoàn thiện các thủ tục để đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh bằng Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, các bộ phải ban hành các thông tư đơn giản hóa để cắt bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành về hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên tinh thần là cải cách hành chính để tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, cải cách phải đi vào thực chất, một mặt hàng giao cho một đơn vị quản lý.

"Các bộ, ngành cần rà soát lại xem nếu cắt bỏ thêm được nữa các điều kiện kinh doanh không cần thiết thì bỏ đi. Nghị định nằm ở đâu, nếu đang ở văn phòng thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với các Bộ, đồng thời chúng tôi giao cho các Vụ trưởng chậm nhất vào ngày 30/10 phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để ban hành để ban hành tất cả các thủ tục liên quan đến Nghị định theo quy trình. Còn các thông tư thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng thì các đồng chí phải xử lý", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua Nghị định 38 thay thế bằng Nghị định 15 về cải cách thủ tục hành chính, đối với nhiều doanh nghiệp là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nói chung và Bộ Y tế nói riêng. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, mới đây, Công văn của Chi Cục Kiểm dịch thực vật Vùng I,  ký công văn số 95 - yêu cầu từ ngày 1/11 tới, tất cả các lúa mì nhập vào nước ta nếu có cỏ dại lẫn vào trong, thì không được nhập khẩu - quy định này đã và đang gây “lao đao” cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Có nhiều con tàu chuẩn bị cập cảng, song theo Cục Bảo vệ Thực vật là phải tái xuất các lô hàng này. Như vậy sẽ ảnh hưởng tất cả đến các ngành hàng như bánh mì, mỳ ăn liền… các nước đang làm việc với ta như Mỹ, Nga, Canada hôm nay họ ngưng hết, không ký kết, không đàm phán gì hết với chúng ta. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng toàn bộ hết đến nhiều doanh nghiệp. Tuần vừa rồi nhiều doanh nghiệp đã lên Hiệp hội để kêu cứu./.