Sáng 16/10, tại Trụ sở Chính Phủ , Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành về việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.

 Thời gian qua, Tổ công tác của Chính phủ đã triển khai 57 cuộc kiểm tra tại các Bộ ngành, địa phương, các tổng công ty và nhiều cuộc kiểm tra về chuyên ngành liên quan đến nợ đọng văn bản, vấn đề cổ phần hóa, giải ngân đầu tư công, cải cách ở các địa phương, một cửa, một cửa liên thông… Qua đó đã góp phần vào việc đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro thay vì tiền kiểm trước đây. 

dn_vov_1_eerm.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (đứng) phát biểu tại cuộc họp.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang áp dụng đối với nhiều mặt hàng vẫn chưa kết nối thông tin kết quả kiểm tra giữa các cơ quan với nhau; tỷ lệ kiểm tra phát hiện sai phạm rất thấp, việc sửa đổi văn bản pháp luật còn chậm…

Nêu thực tế về lĩnh vực vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ vẫn có nhiều điểm bất hợp lý, tồn tại nhiều lỗ hổng. Mặc dù, Nghị định này đã có 5 lần tiếp thu chỉnh sửa sau 3 năm soạn thảo, song Dự thảo Nghị định lần thứ 6 vừa ban hành vào ngày 3/10 vừa qua vẫn còn nhiều điểm tồn tại.

"Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp và các chuyên gia về Dự thảo nghị định vẫn không tiếp thu đầy đủ những ý kiến hợp lý, tiếp thu nửa vời. Do đó, Nghị định hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng, không thể xử lý được nạn “xe dù, bến cóc” và xe hoạt động  trá hình nhằm lách luật, trốn thuế để lập lại trật tự văn minh trong  lĩnh vực vận tải ở Việt Nam" - ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, so với thời gian Thủ tướng giao phải hoàn thành vào dịp 15/8, thì đến nay là quá hơn 2 tháng, do đó, các Bộ, ngành phải quyết liệt, cũng như đẩy nhanh tiến độ về  thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, cần tránh tình trạng cắt giảm cái này lại mọc lên cái khác; nếu chưa cắt giảm được thì cũng phải đơn giản đi, tránh tình trạng chồng chéo.

Ông Mai Tiến Dũng nêu rõ, các Bộ phải công bố thời gian cụ thể khi nào thực hiện được để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chậm nhất vào ngày 30/10/2018, các cơ quan còn lại phải hoàn thiện hồ sơ để Văn phòng Chính phủ rà soát, thẩm tra kỹ để trình Chính phủ, báo cáo với Thủ tướng ký ban hành trước 30/10.

"Phải cải cách thực sự, nhưng để làm được việc này phải có sự quyết tâm trong nội bộ rất lớn, cắt bỏ những cái không cần thiết, những rào cản để thông thoáng nhưng vẫn phải đảm bảo được vấn đề quản lý nhà nước, sức khỏe con người, an ninh quốc gia. Chúng ta không đặt vấn đề mở toang, mà phải đặt vấn đề đơn giản và cắt giảm những vấn đề liên quan đến nhiều mặt hàng, kiểm soát. Theo tinh thần của Thủ tướng là nói và làm, hành động và quyết liệt chuyển nhiều vấn đề sang phục vụ người dân và doanh nghiệp" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.