Nhận thấy việc trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao, chị Đặng Thị Xuân, dân tộc Dao Tiền ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng mận, rong riềng kém hiệu quả sang trồng rau sạch bán ra thị trường, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Chị Đặng Thị Xuân kể, khi mới lập gia đình, kinh tế gặp nhiều khó khăn, canh tác theo tập quán cũ, dù chịu khó làm lụng vất vả, nhưng cái nghèo cứ đeo đuổi gia đình chị và dân bản năm này qua năm khác.

Với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, nhiều đêm trăn trở tìm ra hướng phát triển kinh tế, ban đầu chị bàn với chồng con trồng cây mận hậu và rong riềng nhưng hiệu quả kinh tế thấp, giá cả bấp bênh. Năm 2018, nhận thấy cây rau hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, chị cùng gia đình đã chuyển hướng sang mô hình trồng rau sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm .

“Mới đầu mình chỉ trồng khoảng 1.000 cây bắp cải, súp lơ, su hào trên 2.500 m2 đất, vụ đầu tiên thu hoạch bán ra thị trường được nhiều người ưa chuộng. Thấy hiệu quả từ mô hình trồng rau, mình đã tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức, tham quan, học tập qua sách, báo về các mô hình trồng rau sạch hợp với địa phương”, chị Xuân cho biết.

Theo chị Xuân, khi trồng rau cần chú trọng khâu làm đất, tạo độ tơi xốp, làm sạch cỏ, hạn chế sâu bệnh hại rau. Chủ yếu dùng phân chuồng đã hoai mục kết hợp bón thúc thêm phân NPK, phân đạm để rau sinh trưởng tốt, không phun thuốc bảo vệ thực vật cho rau mà dùng thuốc sinh học để tạo ra sản phẩm sạch. 

"Sau khi đi tập huấn về mình bắt tay vào trồng rau. Trước tiên cần làm sạch cỏ, làm đất, ủ phân, vôi bón để cho rau màu không bị hư hại. Phòng trừ sâu bệnh thì mình dùng thuốc sinh học để phun. Trước đó khoảng 10 ngày khi thu hoạch thì mình dừng phun thuốc để đảm bảo rau được an toàn”, chị Xuân chia sẻ.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm rau của nhà chị ngày càng cao, không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được vận chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, siêu thị Big C... Mỗi năm 3 vụ, trừ chi phí, gia đình chị Xuân có thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ rau, kết hợp với chăn nuôi lợn gà, cuộc sống gia đình chị ngày càng sung túc hơn. Con cái được ăn học đầy đủ, mua được nhiều vật dụng phục vụ cho gia đình.

Mô hình trồng rau của chị không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn là nơi học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông hộ khác trong bản. "Thấy được mô hình trồng rau của gia đình chị Xuân đạt hiệu quả, tôi đã sang học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Được chị Xuân tận tình hướng dẫn, tôi cũng đã làm theo để sau này gia đình mình cũng có nguồn thu ổn định", anh Bàn Văn Thành, ở bản Suối Lìn cho biết.

Nói về mô hình trồng rau sạch của chị Xuân, ông Bàn Văn Liềm, Bí thư Chi bộ bản Suối Lìn cho rằng, mô hình trồng rau an toàn của chị Xuân đã khẳng định tính hiệu quả. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhất là những thị trường yêu cầu cao về chất lượng. 

“Mô hình trồng rau của chị Đặng Thị Xuân cho thu nhập cao, ổn định và đây là mô hình rất tốt và nên nhân rộng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền bà con dân bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp với điều kiện tại địa phương, trong đó có cây rau màu, để tăng năng suất, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống của bà con” ông Liềm cho biết.

Về phần mình, chị Đặng Thị Xuân cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau lên 4.000 m2 nhằm tăng sản lượng và giá trị sản phẩm. Dù mới là bước đầu nhưng mô hình này cũng góp phần mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch tại địa phương./.