Một tin vui đối với người dân Việt Nam là theo Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì Việt Nam đã lọt vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới. Đáng chú ý là tiến bộ Phát triển con người của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% .

Các chuyên gia đánh giá, thành tựu này không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được. Tuy nhiên để duy trì được thành tựu này, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Cần có những giải pháp gì giúp người cao tuổi có được việc làm và đảm bảo thu nhập? 

Ông Nguyễn Văn Hùng ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ: "Trước làm cơ quan nhà nước nhưng mà tôi nghỉ hưu lâu rồi. Năm nay cũng 65 tuổi rồi. Tôi có sức khỏe đi làm chạy xe ôm. Đường xá mình thuộc đi làm cho thoải mái".

Còn ông Trần Huy Nam, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Tôi thấy nghỉ ở nhà cũng chán nên nhờ người quen giới thiệu làm thêm bảo vệ, trông xe".

Đây là  2 trong số rất nhiều người cao tuổi khi đến độ tuổi nghỉ hưu mà vẫn còn sức khỏe muốn lao động kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.  Những năm gần đây, một xu hướng khá phổ biến trên thị trường lao động số người cao tuổi ngày càng gia tăng. Báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi từ tháng 6-8/2020 tại 3 địa phương gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, 40-45% người cao tuổi vẫn tham gia hoạt động kinh tế. Trong đó, có hàng nghìn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Đề cập tới nhu cầu làm việc của người cao tuổi hiện nay, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết, chất lượng cuộc sống ngày càng cao, vì vậy mặc dù tới tuổi nghỉ hưu nhưng nhiều người vẫn còn sức khỏe vẫn mong muốn được tiếp tục đi làm để cho tinh thần vui vẻ và cũng có thêm thu nhập, không phụ thuộc nhiều vào con cái. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người cao tuổi ở nông thôn không có lương hưu vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.

"Tỷ lệ người cao tuổi nghèo trong hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 8%. So với chuẩn nghèo mà Chính phủ vừa ban hành, nhóm này tỷ lệ cao gấp đôi liên quan đến chuyện sinh kế và rất nhiều người còn phải lao động để kiếm sống. Vùng nông thôn, tỷ lệ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế cao hơn rất nhiều. Tuy rằng, số tham gia hoạt động kinh tế là 40% đến 50% như thế nhưng vẫn còn 60% đến 70% người cao tuổi vẫn cần sự trợ giúp con cháu. Số có lương thấp, cả nước chưa được 6.000.000 người, trừ số 3.000.000 hưởng trợ cấp thất nghiệp có mức 270.000 đồng với mức đó gọi là có thu nhập".

Người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không phải dễ dàng khi thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Đa số người cao tuổi có nhu cầu việc làm không biết tìm việc ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe cũng chưa được nhiều. Trên các trang Website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng thường yêu cầu từ 18 đến 35 tuổi. Với người lao động tuổi từ 50 trở lên, công việc tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình…, còn với nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần tuyển qua kênh chính thức.  

Theo Tiến sĩ kinh tế lao động Nguyễn Lê Minh, tạo việc làm cho người cao tuổi, trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch bệnh Covid-19 hiện nay rất cần thiết, bởi vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động này:

"Thế cho nên những người cao tuổi đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của mình tiếp tục làm việc. Họ đầu tư trong những lĩnh vực có chuyên môn giỏi thì rất có lợi cho xã hội. Đối với người cao tuổi do tuổi tác sức khỏe có thể khi họ yếu đi sự điều hành cũng có phần bị ảnh hưởng, cho nên vai trò của tổ chức như VCCI, hoặc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ phân tích ý tưởng này được nhưng mà mặt kia chưa được, cần phải điều chỉnh như thế nào tư vấn giúp cho người cao tuổi"- Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh nói.

Nhằm giúp người cao tuổi tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, hội người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Uỷ ban Quốc gia theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời có phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp với người cao tuổi.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: "Hội người cao tuổi đang tập trung vào vấn đề nghiên cứu, đề xuất những sửa đổi, bổ sung các chính sách về luật, về cơ chế đối với người cao tuổi cho phù hợp với giai đoạn già hóa dân số. Thứ hai nữa là thúc đẩy việc chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò người cao tuổi trong tình hình hiện nay, thăm giúp đỡ những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn khi không nơi nương tựa hoặc cơ nhỡ, hỏa hoạn, thiên tai diễn ra. Tổ chức hội cũng phải có những giải pháp đáp ứng với tình hình mới, nhất là thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy biên chế".

Theo các chuyên gia lao động, trong thời gian tới, Nhà nước cần có thêm các chính sách phù hợp hơn để quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho người cao tuổi tiếp tục làm việc. Điều này không chỉ khuyến khích những người cao tuổi khó khăn mà còn động viên người cao tuổi sống vui, giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng được nhu cầu phù hợp với bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước và tình hình thực tế trong giai đoạn già hóa dân số hiện nay./.