Từ năm 2016, giống chuối Nam Mỹ được đưa vào trồng ở một số xã của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Để đảm bảo lợi ích cho người dân, ngành chức năng tổ chức liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Với mô hình liên kết này cây chuối đang mở ra triển vọng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Vườn chuối hơn 1 ha của gia đình chị Phùng Thị Mai, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk hiện đã bước vào tháng thứ 7, cây chuối cao quá đầu người với đường kính thân cây trên 20cm, một số cây đã trổ buồng, có thể thu hoạch sau 3-4 tháng nữa.
Vườn chuối mới trồng của gia đình bà H’ Nhap Hra cho triển vọng tốt. |
“Công ty thông qua huyện và xã cung cấp giống cây và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty cử cán bộ kỹ thuật cùng phòng nông nghiệp xuống thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng. Chưa biết năng suất ra sao nhưng hiện chuối phát triển rất tốt”, chị Mai cho biết.
Cũng như gia đình chị Mai, gia đình bà H’Nhap Hra ở buôn Drêc A, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn sau nhiều chuyến đi thăm quan thực tế tại các vườn thí điểm và được xã tích cực vận động đã mạnh dạn trồng 8 sào chuối giống mới.
Tuy mới trồng nhưng thấy cây chuối phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh hại. Hơn nữa, được doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ cấp giống và ký hợp đồng mua toàn bộ chuối khi thu hoạch. Trong hợp đồng nêu rõ, nếu doanh nghiệp vi phạm không mua sản phẩm như đã cam kết thì sẽ phải bồi thường cho người dân 100 triệu đồng/ha nên gia đình bà cũng yên tâm.
“Công ty hợp đồng tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nên gia đình mới dám trồng. Nếu mà chỉ có đầu tư mà không có chỗ tiêu thụ thì gia đình cũng không dám trồng thử”, bà H Nhap Hra nói.
Theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, năm 2016, huyện Buôn Đôn thành lập Ban chỉ đạo trồng chuối xuất khẩu do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, liên kết với Công ty Cổ phần đầu tư chuối Việt – một doanh nghiệp chuyên trồng và xuất khẩu chuối ở TP HCM hình thành vùng chuyên canh chuối.
Doanh nghiệp này hỗ trợ người dân 1/2 giá trị cây giống nuôi cấy mô, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ở một số mô hình điểm, ngân sách địa phương hỗ trợ cho người dân một nửa tiền giống và hệ thống tưới tiết kiệm. Đến nay, huyện Buôn Đôn đã trồng thí điểm được 24 ha chuối Nam Mỹ. Các vườn chuối đều sinh trưởng, phát triển tốt, một số vườn đã bắt đầu trổ buồng.
Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Buôn Đôn cho biết, theo hợp đồng, công ty cam kết bao tiêu sảm phẩm cho người dân với giá 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, chỉ cần chuối đạt tiêu chuẩn trọng lượng 20kg/buồng, trung bình mỗi ha chuối sau khi thu hoạch bà con sẽ có lãi từ 100 triệu đồng/năm.
“Công ty ký hợp đồng trực tiếp bao tiêu sản phẩm với người dân có sự giám sát của chính quyền địa phương. Đến thời điểm này, những diện tích chuối gần bước vào tháng thứ 7 đã ra buồng, người dân đã báo cho công ty cung cấp bao bọc, dây buộc và hướng dẫn sử dụng, sau đó họ sẽ trừ chi phí khi thu hoạch. Với diện tích chuối trồng đang phát triển tốt, bà con yên tâm và hi vọng đây cũng là mô hình mang lại sự khởi sắc cho huyện nhà”, bà Thủy cho biết.
Những cây trồng “hô biến” nông dân thành tỷ phú
Với mô hình liên kết 3 nhà chính quyền – nhà nông – nhà đầu tư, ngành chức năng trực tiếp giám sát, nhà đầu tư cung cấp giống cây, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất, cây chuối Nam Mỹ đang mở ra hướng đi mới về loại cây trồng có giá trị kinh tế ở Buôn Đôn./.