TP.HCM có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm hơn 32% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố chưa phát huy hết tiềm năng, mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu sản xuất tại nội địa. Việc xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được kỳ vọng tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp này phát triển.
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, TP.HCM sẽ xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với quy mô 300ha, đây là mô hình mới ở Việt Nam. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, khác với các khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang hoạt động, khu công nghiệp này thành phố sẽ quản lý đến quy hoạch 1/500. Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sẽ không phân theo lô mà phân theo khu chức năng, để doanh nghiệp (DN) đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư.
“Nguồn lực của nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách theo quy định pháp luật. Riêng đối với thành phố có cơ chế kích cầu, nâng vốn kích cầu đầu tư cho vay 200 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất theo lãi suất ngân hàng từ 4 ngân hàng thương mại cộng lại. Tùy loại hình DN sẽ hỗ trợ lãi suất có thể là 50%, 70%, 100% lãi suất vay, hoặc thời gian vay 7-10 năm tùy theo vòng đời dự án”, ông Võ Văn Hoan nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, TP.HCM nên xây dựng khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới hiện nay. TP.HCM cũng phải có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, vì phần lớn DN xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp đều làm theo cách cuốn chiếu và liên tục điều chỉnh quy hoạch.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng, trước mắt TP.HCM nên xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cho lĩnh vực cơ khí, điện-điện tử và công nghiệp chế biến thực phẩm. Bởi như vậy sẽ cung cấp được cho DN nước ngoài linh kiện chất lượng, giá tốt. Điều quan trọng là chúng ta tổ chức mô hình sản xuất như thế nào để có được sản phẩm tốt, giá cạnh tranh.
Theo ông Trần Bá Dương, TP.HCM nên quy hoạch trung tâm nguyên vật liệu, trung tâm gia công cơ khí bán thành phẩm và cả phòng thí nghiệm ngay tại khu công nghiệp. Các DN sẽ liên kết với nhau để sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu.
“Trung tâm nguyên vật liệu ví dụ phục vụ cho cơ khí là đa dạng các loại thép, DN nào cần thì tới cắt theo công nghệ cắt lazer và sản phẩm gần như đã gia công bán thành phẩm tới 70-80%. Mô hình này không chỉ đơn thuần là một địa điểm cung ứng nguyên liệu tập trung mà còn có sự tương tác để tạo ra 1 sản phẩm giá rẻ nhất và có thể sử dụng chung”, ông Dương cho biết thêm.
Phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao phải bảo đảm tính kết nối cung-cầu hiệu quả giữa DN sản xuất sản phẩm đầu cuối và DN công nghiệp hỗ trợ. DN trong khu công nghiệp phải có sự liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp và liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, thành phố muốn xây công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, vấn đề then chốt phải đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, mức đầu tư của thành phố cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ đến nay chưa nhiều.
“Kế hoạch ngân sách của thành phố theo hướng tịnh tiến sẽ khó tạo ra những đột phá về chi tiêu cho khoa học công nghệ. Các chính sách hiện nay ở cấp vĩ mô chung của Chính phủ khó khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (IND). Nếu chi tiêu của chính sách cho khoa học công nghệ và chi cho IND vẫn cứ như hiện nay sẽ khó bứt phá, vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”, ông Anh Tuấn nhận xét.
TP.HCM có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay ngành này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nội địa. Bởi vậy, việc hình thành khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp này phát triển trong thời gian tới./.