Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo Quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý Khu Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức sáng 24/12.
Công nghiệp hỗ trợ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế TP.HCM. Thời gian qua, mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng ngành công nghiệp này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Ngành công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM phần lớn chỉ sản xuất những sản phẩm đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 40%.
Bởi vậy để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiệu quả, các đại biểu cho rằng, thành phố nên hình thành các khu công nghiệp mới và cơ cấu lại những khu công nghiệp hiện có theo hướng thân thiện với môi trường, đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ và ít thâm dụng lao động.
Với các khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao sắp hình thành, thành phố nên làm theo mô hình công nghiệp cộng sinh và kinh tế tuần hoàn. Để làm được việc này, thành phố phải thiết kế hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp bên trong khu công nghiệp với các doanh nghiệp FDI bên ngoài khu công nghiệp. Với các doanh nghiệp cần hướng tới sử dụng nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường, khuyến khích tái chế và tái sử dụng nguyên liệu theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: "Đây là một hệ sinh thái nếu chúng ta không thiết kế thì các doanh nghiệp ở trong các khu công nghiệp vẫn hoạt động độc lập, tìm kiếm cơ hội đơn lẻ khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành phố xây dựng một hệ sinh thái thứ 2 nữa là hệ sinh thái kết nối, thúc đẩy chuyển đổi quá trình sản xuất theo hướng đổi mới, sáng tạo, gắn với chuyển đổi công nghệ số, đặc biệt gắn với công nghệ liên quan đến ICT"./.