Hiện nay khi vấn đề an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, thì tin đồn thất thiệt về “nông sản bẩn” càng khiến người nông dân thêm chồng chất khó khăn.
Sản lượng giảm kéo theo giá giảm là tác động tiêu cực đến người nông dân ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ngay khi có tin đồn về trồng rau cần sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như lúc bình thường, "vựa" rau này cung cấp khoảng 10 tấn rau cho thị trường với giá 10.000 đến 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 40 triệu đồng/sào/năm, thì sau khi có tin đồn giá giảm xuống còn một nửa, người trồng rau thiệt hại đủ đường.
Thu hoạch rau cần tại vùng rau An toàn ở xã Khai Thái_Minh Long |
Ông Bùi Minh Huân chia sẻ: “Người dân chúng tôi thiệt hại nhiều, 1 nắng 2 sương đi làm từ lúc 3, 4 giờ sáng soi đèn đi làm thấy cũng bức xúc. Mong sao các cơ quan xác minh lấy rau tại địa phương mang về để đưa vào kiểm tra”.
Ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên cho biết, địa phương quy hoạch 50ha trồng rau cần theo chương trình sản xuất rau an toàn (RAT) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn Khai Thái với gần 30 ha. Các quy trình kỹ thuật chăm bón được cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra sát sao, ngoài ra, xã cũng yêu cầu Hội nông dân xã phối hợp với Công ty TNHH Thanh niên cung ứng thuốc vi sinh và phân bón lá cho rau đảm bảo quy trình trồng rau an toàn.
“Thời gian vừa qua, tin đồn cũng làm cho nhân dân hoang mang. Sau khi có tin đồn thì sản lượng rau tiêu thụ cũng giảm xuống. Chúng tôi cũng đã tổ chức cho cán bộ cơ sở mời người dân đến họp tuyên truyền phổ biến. Cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ không để tình trạng tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho nông dân”- ông Nguyễn Viết Thắng nhấn mạnh.
Đó chỉ là sự vụ xảy ra cách đây gần 3 tháng tại Khai Thái. Tương tự, ở nhiều địa phương khác, tin đồn thất thiệt khiến nông dân điêu đứng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng nhưng lại chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đơn cử như tin đồn ác ý: khoai lang ở Tây Nguyên nhiễm chất da cam; đậu tương ở Nam Định có chất gây ung thư, và mới đây nhất là xoài ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng túi bao trái của Đài Loan có chứa độc để bọc trái xoài khiến cho nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan liên quan đến các chuỗi sản xuất quản lý cung ứng sản phẩm bị ảnh hưởng….
Làm thế nào để bảo vệ nông dân trước những tin đồn thất thiệt? Theo các chuyên gia, tin đồn thất thiệt gây tác hại với nhiều mức độ khác nhau và lan nhanh, còn việc “giải độc” tin đồn thì rất khó khăn, người nông dân không có phương tiện hoặc cách thức nào khác ngoài sự nương cậy vào chính quyền và truyền thông. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ thì tin đồn cũng theo đó phát triển theo tỷ lệ thuận…
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng không nên vội vàng lan truyền hoặc tạm ngừng mua các sản phẩm bị tin đồn làm ảnh hưởng và nông dân cần bình tĩnh trước những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa có thông báo chính thức từ cơ quan chức năng. Trước tin đồn thất thiệt, trong lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đăng tải thông tin để nông dân được biết. Sử dụng thông tin chính thống của cơ quan quản lý Nhà nước để phủ định thông tin không đúng sự thật, tiếp đó phát hiện ra đối tượng phao tin đồn thì yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để hạn chế những tin đồn thất thiệt cần có sự tham gia chặt chẽ của các bên liên quan. Trong đó quan trọng nhất là nông dân cần tham gia sản xuất theo chuỗi, qua đó các sản phẩm sẽ được chứng nhận an toàn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của nông dân làm ăn chân chính sản xuất ra đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó cũng phải nhanh chóng có những hành động phản bác lại những nghi ngờ do các thông tin xấu gây thiệt hại đối với những nông sản chất lượng./.