Chỉ trong tháng 4 vừa qua, các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã phát hiện, thu giữ, tiêu hủy hàng trăm kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn, khiến cho người tiêu dùng ngày càng lo lắng. Thực phẩm bẩn đã và đang đe dọa cuộc sống của người dân.

sach_bo_acey.jpg
Sách bò.

Tần ngần trước quầy hàng bán các loại nội tạng bò, bà Lê thu Hồng, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La  lộ rõ vẻ lo lắng.

Bà cho biết, gia đình rất thích món sách bò xào khế, nhưng mấy hôm nay bà không dám mua, bởi không biết rõ nguồn gốc của các loại thực phẩm này. Nhất là trong những ngày gần đây theo dõi trên các phương tiện thông đại chúng, thấy các lực lượng chức năng bắt được khá nhiều vụ vận chuyển nội tạng trâu bò không an toàn, không rõ nguồn gốc đã bốc mùi hôi thối, khiến bà càng cảnh giác hơn mỗi khi đi chợ. “Chúng tôi rất là lo lắng. Nếu mà không may chúng tôi sử dụng phải những thực phẩm có nhiều chất hóa học như thế thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con, của cháu”.

Đó là tâm lý chung của tất cả người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Sơn La, nhất là với các bà, các chị trực tiếp đi chợ. Chưa bao giờ nỗi lo về an toàn  thực phẩm lại lớn như hiện nay.

Thực tế, không phải đến bây giờ người tiêu dùng mới quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm. Chỉ có điều, sự nhập nhằng sạch - bẩn nên người tiêu dùng đành phải “tặc lưỡi”  mà ăn và chỉ dám tin rằng, ít ra không phải thực phẩm thối. Khi thông tin về những chiếc xe chở nội tạng bẩn bị bắt ngay trên địa bàn thì sự lo lắng càng lên cao.  

Điển hình trong 2 ngày 17 và 19/4, tại huyện Quỳnh Nhai và Thuận Châu lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã phát hiện và bắt giữ hơn 500 kg nội tạng trâu bò, đã bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Hay ngày 20/4, qua kiểm tra cơ sở của bà Vũ thị Quế ở tổ 2, phường Tô Hiệu, lực lượng chức năng đã phát hiện 40kg ruốc thành phẩm, gần 500 kg bột mì nhãn hiệu Trung Quốc và số lượng lớn các chất phụ gia nhãn hiệu nước ngoài. Nhưng bà Quế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng đó.

Đó mới chỉ là những vụ việc điển hình gần đây được phát hiện, thực tế các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn đang trôi nổi rất nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, để phát hiện, kiểm tra và xử lý việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn lại rất khó khăn, do thiếu trang thiết bị, nhân lực...

Ông  Hoàng Viết Hùng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 thành phố Sơn La cho biết: “Công tác kiểm nghiệm của các cơ quan kiểm nghiệm trên địa bàn cũng rất khó khăn trong hoạt động kiểm nghiệm và lấy mẫu. Điều đó cũng gây không ít khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý của lực lượng”.

Còn tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, tâm lý mua hàng rẻ, các nhà kinh doanh đã đem thực phẩm quá hạn, không đảm bảo an toàn đến tiêu thụ.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, riêng lực lượng quản lý thị trường Sơn La đã kiểm tra, xử lý gần 300 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. Chủ yếu là các mặt hàng như; bánh kẹo hết hạn sử dụng, nước giải khát, ruốc, phẩm mầu, đùi gà đông lạnh, nội tạng trâu, bò, trứng gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng quản lý thị trường Sơn La đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Viết Thông, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường tỉnh Sơn La cho biết: “Chi cục sẽ chỉ đạo các đơn vị trưc thuộc phối hợp với với các ngành chức năng tích  cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, cũng như tăng cường quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biễn của thị trường để kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật”.

Ngoài các biện pháp của các lực lượng chức năng, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình, lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng./.