Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Thế nhưng, trong thời gian qua do gặp nhiều vướng mắc trong thu hút đầu tư nên khu kinh tế này vẫn chậm phát triển. Tỉnh Khánh Hòa đã và đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm kinh tế biển hiện đại.
Khu kinh tế Vân Phong, có tổng diện tích 150.000 ha, thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Đây là khu vực có vịnh nước sâu kín gió, có thể tiếp nhận tàu biển lớn, lại nằm trên trục giao thông Bắc- Nam, kết nối Tây Nguyên hướng biển.
Cảng Nam Vân Phong vừa đưa vào hoạt động từ giữa năm 2020 là điểm sáng tại Khu kinh tế này. Với mực nước sâu 15m, cập tàu đến 70.000 DWT, cảng biển này là trung gian trung chuyển hàng hóa cho cả vùng Tây Nguyên với thị trường thế giới.
Ông Lê Đình Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Yến - chủ đầu tư Cảng Nam Vân Phong cho biết, hạ tầng cảng biển đã cơ bản hoàn chỉnh, tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tránh lỡ nhịp như nhiều năm qua.
“Khó khăn của Khu kinh tế Vân Phong đã qua, sắp tới sẽ có một tương lai rất tươi sáng. Khu kinh tế Vân Phong có hạ tầng tốt nhưng từng bỏ lỡ nhiều cơ hội, nên thời gian sắp tới, tỉnh cần mạnh dạn thu hút đầu tư, chấp nhận những ngành nghề công nghiệp nặng, chấp nhận các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau. Cần dụng được nguồn lực trong thu hút đầu tư để phát triển khu vực này này lên, nếu không sau này thu hút đầu tư sẽ rất khó”, ông Trí cho biết.
Trong 5 năm, từ 2016-2020, Khu Kinh tế Vân Phong chỉ thu hút được 41 dự án tăng vốn cho 14 dự án, tổng số vốn giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng. Hoạt động của Khu kinh tế này đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 21.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết việc làm cho hơn 6.200 lao động.
Ông Hoàng Đình Phi, Giám đốc Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế này gặp vướng mắc, như giải phóng mặt bằng khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ.
“Dư địa đầu tư đối với các khu vực phía Nam cũng đã hết, trong khi toàn bộ vùng phía Bắc có chủ trương xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, do vậy tạm dừng. Trong khi việc kêu gọi đầu tư vào khu Bắc Vân Phong vẫn chưa triển khai được, đòi hỏi phải chuẩn bị thủ tục, quy hoạch cũng như các vấn đề có liên quan khác theo quy định của pháp luật”, ông Phi phân tích.
Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung phát triển Vân Phong, xem đây là 1 trong 4 khâu đột phá tạo động lực mới. Theo đó, khu vực này được đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch được phê duyệt. Đối với khu vực Bắc Vân Phong, tỉnh khẩn trương rà soát quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong bằng việc tập trung ưu tiên phải phát huy được tiềm năng, lợi thế của Vịnh Vân Phong, vịnh nước sâu.
“Khi Khu Kinh tế Vân Phong phát triển chắc chắn sẽ khớp nối, tạo điều kiện cho cả vùng Tây Nguyên, Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa, tạo thành động lực mạnh để chúng ta phát triển dịch vụ logictic, có thể thu hút các nhà đầu tư mạnh vì Vân Phong rất gần với đường hàng hải quốc tế”, ông Tuân khẳng định./.