Dùng lòng, lề đường làm nơi đậu, đỗ, chạy lòng vòng khắp phố tìm nơi đậu hay đem về để qua đêm ở nhà xã viên là tình trạng lâu nay của xe buýt thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là thiếu bến bãi đậu xe buýt.

Thiếu bãi, xe chạy vòng vòng trên đường...

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương ở phường An Lạc, quận Bình Tân đã quá quen với cảnh người đi xe máy luôn phải chạy vào phần đường ô tô vì phần đường của mình đã bị xe buýt chiếm chỗ. Tuyến đường Kinh Dương Vương, nơi bà Hương sinh sống thường xuyên diễn ra tình trạng các bác tài xe buýt ngang nhiên đậu thành một hàng dài chỉ vì không có bến bãi riêng. Nhiều vụ va quệt và thậm chí là tai nạn đã xảy ra vì xe buýt lấn chiếm lòng đường.

xebuss_yhdj.jpgThiếu bãi đậu, nhiều xe buýt ở TP HCM phải đi lòng vòng trên đường tìm chỗ đỗ (Ảnh minh họa: KT)

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương bức xúc: “Phát triển rầm rộ như vậy nhưng mà bến bãi không có chỗ đậu. Ngành Giao thông Vận tải cần phải nghĩ tới, phải tăng thêm bến đậu hay mở rộng thêm”.

Nếu như ở bến xe miền Tây, quận Bình Tân, xe buýt có thể đậu rải rác dọc đường Kinh Dương Vương khi bị ùn ứ trong bến, thì ở Bến xe miền Đông, tài xế xe buýt hoặc chấp nhận rủi ro bị cảnh sát giao thông phạt khi cho xe đậu ở đường cấm hoặc chạy lòng vòng xung quanh bến xe trong thời gian nghỉ giãn giờ.

Con đường nối giữa cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2, quận Bình Thạnh từ lâu đã trở thành điểm tập kết của nhiều xe buýt trước khi vào bến. Đoạn đường này dài khoảng 100m nhưng hầu như trưa nào cũng có từ 5 đến 7 chiếc xe buýt của các tuyến số 24, 64 xếp hàng dài dưới lòng đường.

Các tài xế xe buýt cho biết, do quy định của bến xe, cùng một thời điểm chỉ cho phép vài ba xe vào bến để đón trả khách, trong khi trung bình mỗi tuyến xe buýt có gần 20 xe hoạt động nên việc xe phải xếp hàng chờ ngoài bến hoặc chạy lòng vòng là chuyện đương nhiên.

Anh Nguyễn Văn Vinh, một tài xế xe buýt lâu năm cho biết: “Khi bãi đầy rồi thì trong bãi đuổi ra ngoài, tài xế cho xe chạy vòng vòng ở ngoài kiếm chỗ nào đậu để canh tới giờ bãi trống rồi mới vào. Đi vòng vòng ở ngoài đôi khi không biết đậu ở đâu, đường chật hẹp quá cũng không thể đậu được nên đành cho xe chạy chầm chậm, cũng xảy ra dồn xe. Có hướng nào mở rộng hoặc mở thêm bến bãi cho anh em đậu thêm thì tốt quá”.

Còn ở ngay trung tâm thanh phố cũng dễ dàng nhận thấy cứ khoảng 13h đến 15h hằng ngày, dọc theo các tuyến đường: Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, một góc công viên 23/9, quận 1; đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 hay tại một số trạm xăng quanh các khu vực này thường xuyên có xe buýt đậu rải rác, chờ đến giờ đánh xe vào bến.

Hơn 3.000 đầu xe buýt, mới có 20 bến bãi ổn định...

Điều đáng nói là thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 3.000 đầu xe buýt hoạt động trên 200 tuyến với 80 điềm đầu - cuối các tuyến, tuy nhiên, mới chỉ có 20 bến bãi ổn định; 60 điểm đầu - cuối còn lại phải tận dụng các bãi đất trống, đậu dưới lòng đường, hoặc phải chạy lòng vòng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố. Đó là chưa kể việc không bố trí được mặt bằng lưu đậu ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của xe buýt do phương tiện không thực hiện được chế độ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ…một cách thường xuyên.

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: diện tích bến bãi, điểm trung chuyển xe buýt hiện tại chỉ đạt khoảng 23% so với nhu cầu thực tế. Đến nay chỉ có 4 bến xe buýt có thể sử dụng toàn bộ diện tích phục vụ hành khách, còn lại các điểm khác xe buýt phải hoạt động chung với các xe liên tỉnh, xe vận tải hàng hóa như ở bến xe miền Đông, bến xe miền Tây.

Hiện thành phố đang triển khai lập dự án đầu tư bến bãi giao thông tĩnh đối với ba loại hình là bến xe buýt, bến xe liên tỉnh, bãi kỹ thuật xe buýt với tổng diện tích hơn 72,65ha, sớm khắc phục tình trạng thiếu bến bãi như hiện nay.

Ông Lê Hải Phong nói: “Sở Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với các quận, huyện đi khảo sát, chấm những điểm phù hợp cơ sở hạ tầng cho xe buýt như bến bãi, điểm trung chuyển. Bước đầu đã xác định được một số điểm rất thuận lợi cho hoạt động công cộng. Chúng tôi cũng đã cải tạo được bãi xe buýt ở công viên 23/9, một bãi mới ở công viên văn hoá Đầm Sen. Điều này sẽ đem lại bộ mặt mới và hết sức trực tiếp cho thành phố và người dân cũng được hưởng thụ”.

Khi bến xe miền Đông mới và bến xe miền Tây mới được xây xong, một phần mặt bằng tại hai bến xe cũ này sẽ được dùng để xe buýt hoạt động. Người dân thành phố đang mong chờ các dự án như: các nhà ga hành khách xe buýt Sài Gòn ở quận 1, quận 5, quận 8, còn bãi xe buýt Củ Chi sớm hoàn thành và đi vào sử dụng để giải quyết được tình trạng thiếu bến bãi xe buýt như hiện nay./.