Việc áp dụng thí điểm này là một hợp phần của Dự án Cải thiện Giao thông Công cộng tại Hà Nội (thường gọi là TRAHUD2) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Ông Murashima Eiichi, đại diện JICA phụ trách dự án cho biết hiện nay không có công ty nào của Việt Nam có thể sản xuất được loại vé này. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đang chuyển giao công nghệ sản xuất vé để sang năm tới Việt Nam có thể chủ động sản xuất.
“Nhật Bản mất 16 năm để đưa thẻ thông minh vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã có, chúng tôi tin rằng chỉ 3-5 năm nữa các đô thị của Việt Nam sẽ sử dụng toàn bộ loại vé này”, ông Murashima tin tưởng.
Về việc hành khách được lợi gì khi sử dụng loại vé này, ông Murashima cho rằng khi chuyển từ vé giấy sang vé nhựa sẽ bền hơn và dễ dàng cất trong ví. Đồng thời, sử dụng vé thông minh cũng tạo tiền đề cho việc đưa giá trị tiền vào vé như một loại ví điện tử, hạn chế việc sử dụng tiền mặt như hiện nay.
Ngoài ra, ông Murashima cũng nhận định việc chỉ triển khai thí điểm vé điện tử trên 1 tuyến số 6 Giáp Bát-Cầu Giẽ nên lợi ích với hành khách bị hạn chế. Tuy nhiên, mục đích của dự án lần này là tiếp nhận ý kiến đóng góp của hành khách để nâng cao và cải thiện dịch vụ vận tải hành khách công cộng cho Thủ đô trong thời gian tới.
Được biết, người dân có thể đến đăng ký làm vé xe buýt điện tử tại 41 điểm bán vé tháng trên địa bàn Hà Nội và nhận vé sau 3 ngày (không kể thứ 7 và Chủ nhật)./.