Chủ động tìm thị trường và xúc tiến tiêu thụ.
Để giải quyết được bài toán đầu ra cho trái vải thiều điều quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng vải thiều đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu, phân phối thị trường và chế biến sâu. Lường trước những khó khăn đối với thị trường xuất khẩu vải thiều năm 2022, ngoài công tác chỉ đạo làm tốt khâu tổ chức sản xuất, các địa phương trọng điểm về trồng cây vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như huyện Tân Yên, Lục Ngạn… đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở kinh nghiệm xúc tiến tiêu thụ từ vụ vải thiều năm 2021, năm nay, bên cạnh việc tập trung cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái…đồng thời tập trung xúc tiến khơi thông thị trường khu vực miền Nam, nhất là cửa khẩu Tây Ninh sang Campuchia. Tỉnh Bắc Giang đã chú trọng quan tâm đến việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để đưa sản phẩm vải thiều xâm nhập sâu hơn vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước…
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang vừa triển khai Kế hoạch tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang năm 2022.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022" theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến thời gian dự kiến ngày 29/3/2022. Đồng thời tổ chức Lễ xuất hành Vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản tại huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn thời gian dự kiến ngày 18/5/2022... cùng một số hoạt động khác nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang các thị trường quen thuộc.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022, ngoài việc xuất khẩu vải sang các thị trường quen thuộc như trung Quốc và các nước trong khu vực, tỉnh Bắc Giang đang tính toán các kịch bản, trong đó lưu ý đến cả những kịch bản xấu khi không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu được nhưng tần suất lưu thông bị giảm mạnh so với năm 2021.
"Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên, … nắm bắt tình hình tổ chức sản xuất, thực hiện công tác dự báo, chuẩn bị xây dựng phương án xúc tiến tiêu thụ cho trái vải thiều trong tình hình mới. Tập trung hướng tới thị trường nội địa, tập trung vào thị trường trong nước là chủ yếu chú trọng mở rộng, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường miền Nam, miền Tây… phấn đấu thị phần tiêu thụ vải thiều trong nước chiếm tỷ lệ cao. Chủ động tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng như Trung Đông và các nước châu Mỹ-Latinh”, ông Tấn nói.
Những phương án thích ứng với tình hình mới
Vụ vải thiều năm 2021 vừa qua được đánh giá là một trong những vụ vải thiều thành công nhất của tỉnh Bắc Giang. Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó đang diễn ra phức tạp tại địa phương, nhưng trái vải thiều vẫn được xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài và được đánh giá cao về chất lượng. Mặc dù việc tiêu thụ vải thiều diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất nhưng đã thành công với rất nhiều cái nhất như đạt sản lượng tiêu thụ lớn nhất từ trước tới nay với trên 215.850 tấn, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ lớn nhất, đạt trên 6.820 tỷ đồng.
Để đạt được những thành công ngoài sức mong đợi đó, tỉnh Bắc Giang đã kích hoạt đồng bộ, bài bản, ứng biến linh hoạt thực hiện các giải pháp với tinh thần, phương châm chỉ đạo “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy quyền lợi của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu, trách nhiệm chính trong chỉ đạo, thực hiện của chính quyền tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, coi trọng chất lượng, phẩm cấp của sản phẩm, coi đây là yếu tố “sống còn” của sản phẩm. Sản xuất sản phẩm an toàn, phù hợp với các phân khúc thị trường, đặc biệt hướng đến thị trường khó tính để khẳng định thương hiệu, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh. Đa dạng hóa thị trường, kênh phân phối, tiêu thụ theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu; thường xuyên quan tâm ứng dụng công nghệ 4.0 để đổi mới phương pháp đóng gói theo quy chuẩn, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc phù hợp với từng thị trường; ứng dụng công nghệ bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch…
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap, GlobalGAP, đảm bảo yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất với chất lượng vượt trội, an toàn và sản lượng cao theo hướng sản xuất ổn định và bền vững, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Chia sẻ với báo chí về việc giải quyết bài toán đầu ra cho trái vải thiều trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động, đặc biệt là thị trường quen thuộc Trung Quốc, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Đi cùng với quá trình sản xuất, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm công tác dự báo, thông tin chính sách biên mậu với các thị trường truyền thống và thông tin thị trường xuất khẩu thì cần làm tốt công tác dự báo thị trường; Dự báo những khó khăn, thách thức, từ đó cần chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra các kịch bản tiêu thụ cho từng loại nông sản, từng thời điểm đảm bảo thích ứng nhanh, kịp thời và điều hành linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể để phân khúc thị trường một cách hợp lý, có như vậy mới có thể tiêu thụ tốt ở cả thị trường trong và ngoài nước”./.