Ngày 12/6, hơn 10 tháng sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên, có xuất xứ tại Thanh Hà – Hải Dương, nhập khẩu theo đường chính ngạch, đã có mặt tại một hệ thống siêu thị tại Pháp.
Lô hàng 1 tấn vải thiều có xuất xứ tại huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương đã có mặt tại Pháp vào ngày 12/6. Thanh Binh Jeune - một siêu thị kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc châu Á, đặc biệt từ Việt Nam, là đơn vị nhập khẩu lô hàng này trực tiếp qua đường hàng không. Một ngày sau khi tiếp nhận, công ty Thanh Binh Jeune đã ngay lập tức đưa mặt hàng lên kệ, giới thiệu tới người tiêu dùng tại Pháp.
Phần lớn những người tiêu dùng đầu tiên chọn mua mặt hàng này là những người Việt sinh sống tại Pháp. Ông Ngô Minh Đường - Chủ tịch công ty Thanh Bình Jeune cho biết, người Việt tại Pháp đánh giá cao chất lượng quả vải xuất xứ từ Việt Nam. “Đồng bào Việt Nam tại Pháp ai cũng ủng hộ vải Thanh Hà hay vải thiều Bắc Giang. Nhìn chung, hai loại vải này rất ngon. Nếu được thì từ nay đến cuối mùa, công ty sẽ tiến tới nhập khẩu tổng cộng khoảng 5 tấn”, ông Đường cho biết.
Cũng theo ông Ngô Minh Đường, việc nhập khẩu chính ngạch sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, cùng việc áp dụng quy định truy vết nguồn gốc xuất xứ, và các tiêu chuẩn kỹ càng hơn đã thể hiện sự chuyên nghiệp, khiến cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, đáng tin cậy hơn so với việc nhập khẩu mà công ty thực hiện trước đây.
Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương được công ty này bán cho khách hàng với mức giá 18 euros/hộp 1 kg (quả vải đã cắt cuống), tương đương hơn 500.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp – đơn vị đang tổ chức các buổi giới thiệu, quảng bá mặt hàng vải tại hệ thống siêu thị châu Á cho rằng, việc nhập khẩu được lô hàng đầu tiên này vào Pháp thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam sau quá trình chuẩn bị công phu, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
“Lô hàng đơn lẻ nhưng có khối lượng lớn, nhập khẩu trực tiếp vào một hệ thống siêu thị tại Pháp đã bị gián đoạn trong vài năm qua. Việc xuất khẩu thành công lô hàng vải thiểu có tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đến từ vùng trồng Thanh Hà – Hải Dương sang Pháp trong thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện được sự quyết tâm của Chính phủ, cũng như sự cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Sơn đánh giá.
Theo ông Sơn, để chuẩn bị chinh phục thị trường “khó tính” nhất châu Âu, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương thời gian qua đã liên tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về việc chấp nhận thách thức, tìm hướng đi mới cho nông sản Việt Nam trong thời điểm các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị đình trệ vì đại dịch.
Để thích ứng với việc nước Pháp nhiều lần trải qua các lần phong tỏa và giãn cách xã hội, Thương vụ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã triển khai một chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, như phối hợp với Cơ quan Hải quan Pháp tổ chức Hội thảo trực tuyến tuyên truyền về lợi ích của Hiệp định EVFTA và giới thiệu tiềm năng nông sản của Việt Nam tới các doanh nghiệp Pháp.
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội (HPA) và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) để tổ chức chuỗi các buổi kết nối trực tuyến doanh nghiệp với doanh nghiệp; trực tiếp tiếp xúc, giới thiệu về các doanh nghiệp xuất khẩu vải và nông sản Việt Nam tới các nhà nhập khẩu, bán sỉ tại chợ Rungis, chợ đầu mối lớn nhất châu Âu nằm ở ngoại ô Thủ đô Paris.
Ngoài ra, trong khuôn khổ các Chương trình kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương chủ trì, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp Cục XTTM để chọn lọc những doanh nghiệp có năng lực cung ứng và kế hoạch phát triển quốc tế bài bản hướng tới thị trường châu Âu để kết nối với những đối tác nhập khẩu quan trọng tại Pháp.
Lô hàng vải thiều đầu này là sự khởi đầu cho một loạt các đơn hàng vải và hàng nông sản Việt Nam khác trong thời gian tới. Dự kiến, trong tháng vải này, mỗi tuần sẽ có gần 1 tấn vải được nhập khẩu để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2021. Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, các đàm phán cũng đang được triển khai để sớm đưa thêm các lô hàng vải thiều cũng như nông sản khác của Việt Nam vào hệ thống chợ Rungis, hay Tang Frères, hệ thống siêu thị châu Á lớn nhất tại Pháp.
Tại Pháp, các loại trái cây nhập khẩu (exotic), đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới, rất được ưa chuộng trong các hệ thống siêu thị. Với riêng mặt hàng quả vải, hàng năm Pháp nhập khoảng trên 15 ngàn tấn vải từ Madagascar, vốn có lợi thế hơn vải Việt Nam là mùa xuất khẩu chủ yếu vào dịp lễ Noel, thời điểm người dân Pháp tiêu dùng mạnh nhất.
Sau các hoạt động giới thiệu, quảng bá trái vải Việt Nam tại hệ thống siêu thị Châu Á, Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, sẽ phối hợp các đơn vị, đối tác để giới thiệu trái vải Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 tại trung tâm Thủ đô Paris.
Các sự kiện quảng bá này dự kiến sẽ thu hút đông đảo cộng đồng người Việt, người châu Á và người dân địa phương khi được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang nới lỏng dần các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 đã được cải thiện./.