Người dân đứng trước trăm, ngàn nỗi lo về giá và đầu ra
Hiện, trên khắp các vườn vải của người dân ở tỉnh Bắc Giang đang ngập tràn những sắc trắng tinh khôi của hoa vải. Nhìn xa hút tầm mắt là những đồi vải thiều lá xanh, hoa trắng, cây lớn cây nhỏ lúp xúp bạt ngàn. Tại các khu vườn, vải chen sát vải, những cành hoa đua nhau đón nắng, đón gió, rà sát ra cả mặt đường. Thế nhưng, dưới những tán vải, niềm vui được mùa không làm nguôi ngoai đi nỗi lo của người nông dân khi giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá phân bón hóa học đang không ngừng leo thang.
Dù còn 2 tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch vải thiều nhưng đứng trước những thách thức và biến động không ngừng của thị trường trong và ngoài nước, người dân trồng vải ở Bắc Giang đang như “ngồi trên đống lửa” trước bài toán đầu ra cho trái vải.
Bắc Giang là vựa vải thiều lớn nhất cả nước, được mệnh danh là “thủ phủ vải thiều” với sản lượng vải chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều trên toàn quốc. Đến thời điểm hiện tại, diện tích vải thiều chính vụ của Bắc Giang đã bắt đầu trổ hoa, trong khi diện tích vải chín sớm đã bắt đầu ra quả.
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang tăng diện tích trông vải thiều lên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 160.000 tấn, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, GlobalGAP là 82 ha. Mục tiêu của Bắc Giang trong năm nay là sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vải thiểu sang thị trường nước ngoài.
Đến Lục Ngạn những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân đang chăm sóc, vun vén cho những gốc vải của gia đình mình, nghe người dân tâm sự về những nỗi lo của bản thân trước mùa vụ mới thì mới thấu hiểu được nỗi vất vả của họ.
Bà Hoàng Thị Hằng, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn chia sẻ, gia đình bà có hơn 1ha vải thiều với hơn 100 gốc vải, năm nay tỷ lệ ra hoa đạt 100%, năm nay giá phân bón tăng cao chóng mặt khiến gia đình bà cũng như những người trồng vải khác đứng ngồi không yên.
"Cuộc sống của những người nông dân như chúng tôi vốn khó khăn, cả năm trông vào mỗi vụ vải. Giá phân bón tăng đang trở thành gánh nặng cho nông dân trồng vải chúng tôi, khi số tiền đầu tư cho cây trồng lớn, trong khi đầu ra lại bấp bênh. Nếu so với giá bán vải thiều như năm ngoái với giá phân bón tăng như hiện nay, thì năm nay người nông dân chúng tôi đứng trước nỗi lo lỗ vốn. Chúng tôi vô cùng lo lắng trước vấn đề trên", bà Hằng cho biết.
Cùng nỗi lo với bà Hằng, anh Nguyễn Văn Công, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam chia sẻ: “Mấy ngày nay, tôi theo dõi thời sự thấy Trung Quốc đang thực hiện chiến lược Zero Covid và cuối năm 2021 rất nhiều nông sản Việt Nam bị tắc ở cửa khẩu và phải quay đầu, và bây giờ giá cả phân bón liên tục nhảy múa nên tôi rất lo lắng về đầu ra năm nay cho gần 200 gốc vải của gia đình”.
Thấu hiểu nỗi lòng người trồng vải
Huyện Lục Ngạn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang và được coi là thủ phủ của trái vải thiều của tỉnh. Những ngày này, khi vải trổ lên những trùm hoa rực rỡ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang chăm chút cho từng cây vải của gia đình. Năm 2022, huyện Lục Ngạn có kế hoạch sản xuất 15.750 ha vải. Trong đó trên 2,7 nghìn ha vải sớm; vải muộn trên 12,9 nghìn ha; 12,8 nghìn ha sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; 117 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap.
Trước thực tế hiện nay, dù giá phân bón tăng cao nhưng giá cả nhiều mặt hàng nông sản không hề tăng, thậm chí sụt giảm hơn so với trước. Điều này dẫn đến người nông dân đang “khóc ròng” trên chính mảnh đất canh tác của mình. Chưa kể thị trường hiện nay đang có nhiều biến động không ngừng do nhiều yếu tố khách quan. Nên bài toán đầu ra cho trái vải thiều năm nay đang đứng trước muôn vàn khó khăn và thử thách.
Thấu hiểu cho những khó khăn vất vả của người nông dân trồng vải, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết: Trước tình hình giá cả phân bón không ngừng nhảy múa như hiện nay, để thích ứng với điều kiện phân bón tăng giá, không ít những hộ gia đình trồng vải ở Lục Ngạn đã canh tác cây vải thiều theo hướng hữu cơ hóa sử dụng các loại phân vi sinh, các loại phân bón hữu cơ để dần thay thế cho các loại phân hóa học. Chủ trương của huyện là vận động nông dân ứng dụng các mô hình sản xuất cải tiến, sử dụng các chế phẩm sinh học, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt nhằm giảm chi phí đầu vào đang được quan tâm và đẩy mạnh.
"Huyện cũng chủ trương xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh mới, hướng đến thị trường nội địa là chủ yếu, lấy các khu công nghiệp làm thị trường tiêu thụ trọng điểm. Ngoài ra huyện cũng hướng đến đưa trái vải thiều đến các thị trường tiềm năng khác như Đông Nam Á và các nước Trung Đông.
Đồng thời, chủ trương của huyện là không ngừng củng cố, duy trì mã vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm trái vải thiều để xuất sang các thị trường khó tính như Nhật và châu Âu. Đa dạng hơn các hình thức chế biến từ trái vải thiều như sấy, ép và đóng lon, xây dựng thêm các lò sấy vải để hỗ trợ thu mua vải cho người dân. Kiểm tra kỹ càng khâu chế biến và đóng gói sản phẩm trước khi xuất đi để đáp ứng yêu cầu của thị trường", ông Nguyễn Thế Thi cho biết./.