Trong Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2017 với chủ đề "Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp", nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra các thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Mô hình tăng trưởng chậm cải thiện

Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng bền vững. Nền kinh tế tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng các nguồn lực còn thấp.

mo_hinh_tang_truong_zlrt.png
Chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng bền vững (Ảnh minh họa: KT)

“Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép lên lạm phát hay bất ổn tài chính. Hệ thống tài chính tiền tệ vẫn đang phải xử lý vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng tiếp tục là rủi ro vĩ mô lớn của nền kinh tế”, PGS. TS. Tô Trung Thành, thành viên nhóm nghiên cứu, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ.

Mặt khác, dư địa tác động của các chính sách dần bị thu hẹp. Muốn đạt tăng trưởng cao trong ngắn hạn cần các chính sách quản lý tổng cầu như: nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tín dụng gia tăng đầu tư công… nhưng sẽ không tăng được nhiều sản lượng mà đánh đổi là bất ổn vĩ mô.

“Việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng phục vụ mục tiêu tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát. Tốc độ tín dụng gia tăng nhanh còn gây sức ép đến ổn định tài chính, trong khi đó, rủi ro thâm hụt ngân sách và nợ công cũng khiến dư địa cho chính sách tài khóa không còn nhiều”, PGS. TS. Tô Trung Thành cho biết.

Phụ thuộc nhiều vào FDI

Nhóm chuyên gia cũng chỉ ra yếu kém lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là chủ yếu dựa vào đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi khu vực này đã và đang bộc lộ những tồn tại lớn như: thiếu vắng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ không hiệu quả; sản xuất chủ yếu ở ngành chế biến chế tạo đang gây ra ô nhiễm môi trường; đóng góp vào ngân sách không tương xứng trong khi còn có những hành vi chuyển giá…

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn dựa nhiều vào khu vực FDI (Ảnh minh họa: KT)

Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, sản xuất của khu vực FDI vẫn mang nặng tính gia công, ở vị trí cuối chuỗi sản xuất toàn cầu và Đông Á với giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam rất thấp.

“Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu là sản xuất gia công, Việt Nam có thể sẽ bước vào "bẫy giá trị thấp". Động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Tô Trung Thành khẳng định.

Các chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần định vị lại vai trò động lực tăng trưởng của các thành phần kinh tế. Trong đó, định vị lại vai trò động lực quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trong bối cảnh khu vực nhà nước thiếu hiệu quả và dần bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên tạo lập điều kiện để các lực lượng thị trường hoạt động tốt và có hiệu quả tốt nhất như: các chính sách thúc đẩy cạnh tranh như giảm can thiệp điều tiết của nhà nước, tư nhân hóa, chống độc quyền, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tháo dỡ các rào cản đặc biệt là thể chế để khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng.

“Các chính sách tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng không chỉ cần nhất quán và hài hòa giữa các khu vực DN nhà nước, DN FDI, DN ngoài nhà nước và khu vực hộ gia đình mà còn phải nhất quán và công bằng giữa các DN trong cùng một loại thể chế. Với môi trường thân thiện, bình đẳng và minh bạch, bản thân các DN sẽ là đối tượng giúp thực hiện mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ mong muốn”, PGS. TS. Tô Trung Thành khuyến cáo./.