Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 213,8 tỷ USD. Đóng góp vào sự thành công đó là những hoạt động tích cực của khối doanh nghiệp FDI, với 145 tỉ USD cho xuất khẩu, tăng 21,1% so với năm 2016. Tỉ lệ đóng góp của khu vực này đạt trên 71%. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tiếp theo là nhóm hàng dệt may và điện thoại, linh kiện "áp đảo" các mặt hàng còn lại.
Xuất khẩu của nước ta còn phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI (Ảnh: KT) |
Không thể phủ nhận những đóng góp lớn của khu vực doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Honda, Metro… Tuy vậy, điều này lại đang làm dấy lên mối lo ngại về một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ, khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên yếu thế so với khu vực có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu.
“Trong những năm qua, tốc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP có 4 động cơ chính chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ nước ngoài. Đây là vấn đề cần cảnh báo, nếu lệ thuộc quá lớn mà không phát huy nội lực thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của nền kinh tế. Đồng thời khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, họ rút vốn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng của đất nước”, ông Ngô Trí Long cho hay.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hút đầu tư FDI chính là chuyển giao công nghệ, nhưng thực tế chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Đến nay, mới chỉ có 5% công nghệ cao được chuyển giao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông. Điều này khiến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chỉ tạo ra 20% giá trị gia tăng và giá trị nội địa chỉ chiếm đến 10%.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp FDI chủ yếu thuê mặt bằng, nhân công giá rẻ, chưa có sự kết nối mật thiết với doanh nghiệp trong nước như mong đợi. Do đó, nếu chỉ tập trung thu hút ngày càng nhiều FDI mà không có sự chọn lọc có thể dẫn đến hệ lụy cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
“Việt Nam cần tận dụng lợi thế trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước để phát triển nguồn nhân lực tương xứng, trước hết là để thu hút nguồn vốn có hiệu quả, giá trị gia tăng ở Việt Nam cao. Từ đó nguồn nhân lực Việt Nam phát triển và tiến xa hơn, có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Với vấn đề chuyển giao công nghệ, khi tạo điều kiện để các nhà đầu tư chuyển giao, đưa các công nghệ tốt vào Việt Nam thì họ sẽ được hưởng lợi một cách tương xứng và Việt Nam cũng được hưởng lợi kép. Điều này nước ta chưa làm được từ chính sách cho đến thực thi.” Ông Nguyễn Văn Toàn bày tỏ.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, FDI là thành tựu của quá trình hội nhập, đồng thời là một thành phần của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào gia tăng xuất khẩu. Theo ông Hải, vấn đề cần giải quyết ở đây không phải là hạn chế, giảm bớt hoạt động doanh nghiệp FDI mà phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng, đạt tỷ lệ kim ngạch cao trong cơ cấu xuất khẩu.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nhà nước đã có nhiều biện pháp như Ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ tín dụng, đầu tư, đào tạo nhân lực... Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa làm tốt việc kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, chưa thực hiện triệt để việc yêu cầu doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam phải chuyển giao công nghệ. Đây là những hoạt động sẽ được tập trung giải quyết trong thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước./.