Tại họp báo Chính phủ chiều nay (1/4), trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc một số ý kiến chưa đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá điện vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì cho rằng EVN thiếu minh bạch trong giá điện; nếu Bộ Công Thương chỉ dựa vào báo cáo của EVN để quyết định cho tăng giá thì mới đứng về phía doanh nghiệp, chưa quan tâm lợi ích của người tiêu dùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng: Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16/3 vừa qua là cần thiết và căn cứ vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra của Tổ công tác liên ngành; chi phí ước thực hiện năm 2014, trong đó các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào như tăng giá than, giá khí, tỷ giá, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ; chỉ có giá dầu là giảm. Đồng thời bảo đảm phù hợp với Quyết định 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015.
Phương án điều chỉnh giá cũng được các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất. Đây cũng là phương án tăng thấp và ít tác động đến kinh tế - xã hội; dự tính chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 khoảng 0,18% - 0,23%; ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng. Đối với một số ngành sản xuất có mức tiêu thụ điện cao như thép, xi măng, ước tính tỷ lệ tăng giá thành khoảng 0,07% - 0,66%.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tích cực thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Thực hiện Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ năm 2011 Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, cơ quan liên quan, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã triển khai công tác kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương thay mặt Tổ công tác liên ngành đã tổ chức họp báo, công bố, gửi cho các cơ quan báo chí và đăng tải công khai trên trang web của Bộ các nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện, chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ điện, chi phí điều hành quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống; kết quả hoạt động (lỗ/lãi) của sản xuất, kinh doanh điện; các khoản còn treo chưa được phân bổ vào giá điện.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh đồng thời giá điện và giá xăng dầu cùng một lúc là chưa hợp lý vì tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói: “Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3/2015 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng, ngoài biến động các yếu tố chi phí đầu vào (có tăng, có giảm) còn đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất và hỗ trợ người tiêu dùng điện ở mức phù hợp. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 ở mức thấp, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3/2015 ước tính làm tăng CPI của tháng 3/2015 khoảng 0,04%; việc điều chỉnh giá điện ước tính làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,18% - 0,23%”
Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu đã cơ bản theo cơ chế thị trường; giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trên cơ sở biến động giá xăng dầu thế giới, kết hợp với các công cụ điều tiết thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế -xã hội theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu./.