Từ ngày 16/3 tới, giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng 7,5%, lên mức khoảng 1.622 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện lần này đã được Chính phủ cân nhắc xem xét, đưa giá điện tiệm cận cơ chế thị trường, nhưng vẫn đảm bảo khả năng đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và kiểm soát lạm phát mức 5%. Với mức tăng lần này, giá điện đang rất gần với mức trần tăng giá điện được Chính phủ phê duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần minh bạch về giá thành, chi phí sản xuất cũng như nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng… để tránh tác động làm tăng giá điện.
Ngay từ cuối năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất phương án tăng giá điện. Lý do được đưa ra là các chi phí đầu vào đã tăng hơn 12%. Theo đó, giá khí tăng trong gần hai năm qua khiến chi phí tăng trên 4.000 tỉ đồng. Giá than cũng tăng hơn 4.400 tỉ đồng. Thuế tài nguyên nước tăng cũng từ 2% lên 4%...Tổng cộng chi phí đầu vào đã tăng tới 8.833 tỉ đồng. Đặc biệt là khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá của những năm trước còn “treo” chưa tính vào giá điện trên 8.800 tỉ đồng.
Một lý do khác để đề xuất tăng giá, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực cho biết, Công ty mẹ EVN tự sản xuất chỉ chiếm 15–17% tổng sản lượng, tương đương khoảng 27 tỷ kwh trong tổng số sản lượng điện mua và sản xuất 161 tỷ kWh. Như vậy, sản lượng 83% còn lại EVN mua theo hợp đồng với các nhà máy thủy điện với giá cố định, còn nhà máy nhiệt điện than và khí, phụ thuộc vào chi phí biến đổi theo giá nhiên liệu. Do đó, giá bán lẻ điện là kết quả của việc mua 83% sản lượng đó với chi phí biến động như thế nào.
Ông Đinh Quang Tri cho biết: “Hiện EVN phải mua điện của tất cả các nhà máy điện, và bán cho 5 Tổng công ty điện lực và các công ty này bán điện cho người dân và các hộ tiêu thụ theo giá quy định của Bộ Công Thương. EVN ở trong tình trạng là mua điện của các nhà máy điện thì theo giá thị trường, theo hợp đồng, khi giá nhiên liệu thay đổi thì EVN phải thanh toán theo giá thay đổi. Nếu giá bán lẻ không điều chỉnh mà giá mua điện tăng lên thì đương nhiên là lỗ. Thời gian qua giá bán lẻ cố định trong 1 thời gian dài còn các thông số đầu vào tăng liên tục. Thực tế EVN phải chịu phần lỗ cho độ vênh giữa mua – bán.”
Theo EVN, nếu tính đủ chi phí và đảm bảo có lợi nhuận cho Tập đoàn thì giá điện phải tăng gần 13%. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đồng ý cho phép EVN tăng ở mức 7,5%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã kiểm tra đầy đủ thông số đầu vào của giá điện. Chính phủ cũng đã xem xét, đánh giá tác động tới đời sống nhân dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp. Việc tăng giá điện nằm trong lộ trình đưa giá điện tiệm cận với giá thị trường. Khoản lợi nhuận từ việc tăng giá điện giành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại, mà vẫn đảm bảo tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát trong năm 2015…
Trong tuần này, Bộ Công Thương sẽ công bố cụ thể mức giá điện với từng nhóm đối tượng. Các hộ tiêu dùng, kinh doanh sẽ được áp mức giá điện tăng dưới 7,5%; còn các hộ sản xuất áp dụng mức tăng trên 7,5%. Theo Bộ Công Thương, các hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng chỉ phải trả thêm tiền điện 6.000 đồng/tháng; với các hộ sử dụng điện từ 100 - 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng và với các hộ sử dụng trên mức này sẽ trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói: “Trong những năm qua, một chủ trương nhất quán là điều chỉnh thị trường hóa các mặt hàng, trong đó có mặt hàng điện. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã lập tổ kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán. Hiện nay chúng tôi đã công khai các thông số ảnh hưởng đến giá điện trên trang web của Bộ. Thời gian tới, Bộ sẽ xem xét ban hành biểu giá với bậc thang đơn giản hơn, giảm dần bù chéo. Giá điện cho khối kinh doanh dịch vụ thu hẹp khoảng cách với sản xuất. Với hộ nghèo, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước.”
Như vậy, dù ít dù nhiều, tới đây, người dân, doanh nghiệp đều phải trả thêm tiền điện. Còn với EVN, lần tăng giá này sẽ giúp tăng doanh thu khoảng 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo EVN, mức lãi này chỉ xử lý được trên 926 tỉ đồng trong khoản lỗ tỉ giá còn “treo” chưa tính vào giá điện trong tổng số hơn 8.800 tỉ đồng. Vì vậy, vẫn còn hơn 7.800 tỉ lỗ phải xử lý trong các năm sau. Đáng chú ý, lần tăng giá này đưa giá điện tiến tới bằng 86%-87% so với mức trần giá điện bán lẻ đã được Chính phủ phê duyệt là 1.835 đồng/kwh. Như vậy giá điện vẫn còn biên độ tăng khoảng 12%-13%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thực tế EVN vẫn có thể giảm tác động tăng giá điện. Bởi hiện nay năng suất lao động của ngành điện quá thấp, quản trị kém, tổn thất điện năng vẫn ở mức cao… khiến chi phí tăng, góp phần đẩy giá điện tăng.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng: “Hiện nay, giá truyền tải tương đối ổn định, còn giá phát điện phải xem xét lại chi phí đã phù hợp với khu vực chưa. Còn vấn đề quan trọng nữa là khâu phân phối, năng suất lao động rất thấp, số lượng lao động còn rất lớn nên chi phí vào khâu này rất lớn, chiếm khoảng 250 đồng/kwh điện. Tổn thất điện năng mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn lớn, nó cũng đưa vào giá thành. Những cái này mà giảm được thì sẽ là một trong những điều kiện để ổn định hoặc giảm giá điện.”
Từ năm 2007 đến nay, đã có 9 lần tăng giá điện, trong đó 4 lần tăng liên tiếp trong 2 năm qua đều ở mức 5% mỗi lần tăng. Mức tăng 7,5% lần này được đánh giá là khá cao, tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi ngành điện vẫn còn độc quyền như hiện nay, dư luận mong muốn có những đánh giá đầy đủ về nguyên nhân thua lỗ của Tập đoàn này. Đồng thời, EVN cần giải quyết những tồn tại như kinh doanh yếu kém, đầu tư dàn trải, quản trị yếu, hiệu quả tiết giảm chi phí kinh doanh chưa cao…để không còn “điệp khúc” tăng giá điện do thua lỗ hay tăng chi phí đầu vào./.