Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý 1 và 4 tháng đầu năm 2013, ông Nguyễn Văn Biên - Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Vinacomin tăng giá bán than cho sản xuất điện kể từ ngày 20/4/2013. Đây là một tin vui đối với tập thể người lao động ngành than, trong bối cảnh tiêu thụ than cho điện tăng cao đột biến trong quý 1, trong khi than xuất khẩu giảm sút cả về lượng và giá trị, tiêu thụ than của các hộ sản xuất khác trong nước như xi măng, sắt thép, giấy, phân bón, hóa chất… đều giảm.

Tăng giá, ngành than vẫn phải tiếp tục phải bù lỗ cho điện

Theo ông Biên, mặc dù Chính phủ cho phép Vinacomin được điều chỉnh giá bán than cho điện với mức giá bằng 100% giá thành sản xuất của năm 2011 (đã được kiểm toán). Tuy nhiên, mức điều chỉnh này cũng chỉ bằng khoảng 80-85% giá thành sản xuất của năm 2013. Và như vậy, Vinacomin vẫn tiếp tục phải bù lỗ cho sản xuất điện.

namcautrang510102009.jpg
Cần tăng giá than xuất khẩu do quá trình khai thác ngày càng khó khăn. (Ảnh: nangluongvietnam.vn)

Trước đó, tình hình sản xuất và tiêu thụ than của Vinacomin hết sức khó khăn. Kết quả quý 1/2013, lượng than nguyên khai sản xuất đạt 11,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch, trong đó, tiêu thụ đạt 10,7 triệu tấn, đạt 25% kế hoạch. Tồn kho than cuối quý 1 ước tính 6,4 triệu tấn.

Thị trường tiêu thụ than quý 1 và dự báo cả năm 2013 vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, (trừ sản lượng than cho điện tăng cao đột biến - do tình hình hạn hán, lượng huy động điện từ nhiệt điện than tăng cao). Trong quý 1/2013, giá than bán cho điện chỉ bằng 71-73% giá thành năm 2011 đã kiểm toán, và bằng khoảng 63-66% giá thành năm 2013.

Tổng số than bán cho điện trong quý 1 đạt hơn 4 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước toàn quý, với giá bán thấp hơn giá thành năm 2013 khoảng 1.500 tỷ đồng. Điều này đã khiến ảnh hưởng chung tới tình hình sản xuất, kinh doanh của toàn tập đoàn (doanh thu quý 1 chỉ đạt 24.000 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch) cho dù các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản tương đối ổn định; sản xuất và tiêu thụ điện quý 1 Vinacomin đạt 2.551 triệu kWh, bằng 30%  kế hoạch và vượt hơn 10% chỉ tiêu Bộ Công Thương giao về công tác đảm bảo điện mùa khô 3 tháng đầu năm 2013.

Nangiải nguồn vốn đầu tư

Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển các mỏ than rất lớn, chỉ tính riêng sản xuất than hàng năm khoảng 22-25.000 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, do phải bù lỗ giá bán than cho điện nhiều năm qua nên nguồn thu chủ yếu của Vinacomin phụ thuộc vào than xuất khẩu. Nguồn vốn tích lũy của ngành than từ năm 2011 trở về trước tương đối ổn định do giá than xuất khẩu ở mức cao, song hiện nay hầu như không có do vẫn đang phải bán than cho điện dưới giá thành, trong khi giá than xuất khẩu hiện tại sau khi nộp thuế cũng chỉ đủ bù đắp chi phí. Việc tiếp tục xuất khẩu than chỉ nhằm mục đích giữ chân lao động thợ lò và duy trì đảm bảo việc làm cho lao động ngành than hiện nay.

“Các mỏ hầm lò điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa hơn. Kế hoạch năm 2013 đào khoảng 380 km đường hầm tiết diện khoảng 10 m2, có nơi độ sâu dưới 300 m, bóc khoảng 250 triệu m3 đất đá cung độ trên 4 km… Áp lực mỏ lớn, nguy cơ về bục nước, cháy nổ, sập lò cao hơn; các mỏ lộ thiên cung độ vận chuyển tăng, hệ số bốc đất cao, các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động..cũng tăng theo, trong khi tỷ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu phải khai thác hầm lò, làm cho giá thành sản xuất than tiếp tục tăng” – ông Biên cho hay.

Theo tính toán của Vinacomin, trong vòng 15 năm qua, mỗi năm chi phí giá thành sản xuất than tăng khoảng 4-5% do khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa; Cộng với các yếu tố đầu vào khác như thuế, phí môi trường, tăng chi phí đầu tư, nguyên liệu…khả năng cân đối tài chính hiện nay và đầu tư tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu than sau năm 2015 (đạt 55 triệu tấn) là rất khó khăn.

Dự kiến quý 2 và cả năm 2013, tình hình tiêu thụ than trong nước cũng như xuất khẩu vẫn rất khó khăn (trừ than cho điện). Tháng 4, Vinacomin tiêu thụ ước đạt 3,1 triệu tấn, trong đó, bán cho các hộ trong nước 2,4 triệu tấn, xuất khẩu 700.000 tấn (bằng 60% lượng than xuất khẩu tháng 3/2013).

Vinacomin cho biết, hiện nay giá than xuất khẩu sau khi trừ 10% thuế xuất khẩu và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì cũng chỉ đủ bù đắp giá thành, không thể bù được than cho điện như trước đây nữa. Vì vậy, để ngành than chủ động điều hành, ổn định sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (tránh việc hợp đồng đã ký kết rồi sau đó thuế tăng không bán được hàng sẽ bị phạt), đồng thời, cũng đảm bảo thuận lợi, minh bạch trong tính toán thuế suất, Vinacomin kiến nghị, trong giai đoạn này Chính phủ xem xét điều chỉnh mức thuế suất đối với than xuất khẩu.

Cụ thể, khi giá than bán bình quân (tính theo loại than cám 11AHG) dưới 75 USD/tấn thì mức thuế suất áp dụng là 10%; Khi giá than bình quân (tính theo loại than cám 11AHG) từ 75 đến dưới 85 USD/tấn thì mức thuế suất là 15%; Khi giá than bình quân (tính theo loại than cám 11AHG) trên 85 USD/tấn thì mức thuế suất là 20%. Trong các năm sau, khi giá thành sản xuất tăng do khai thác xuống sâu hơn thì giá than xuất khẩu các mức phải tăng thêm./.