Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định như vậy sáng 14/1 khi trao đổi với báo chí về lộ trình tăng giá bán than, điện trong năm 2010.

“Năm 2009, chúng ta điều chỉnh giá điện tăng khoảng 8,92%. Đây là chủ trương nhất quán vì đảm bảo cân đối đầu vào, đầu ra của các sản phẩm theo thực tế của các mặt hàng đó. Chúng ta thực hiện cơ chế giá thị trường cũng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích ý thức tiết kiệm của người tiêu dùng (cả hộ sản xuất và các hộ sinh hoạt). Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế giá thị trường cũng đảm bảo hiệu quả kinh tế của các DN, phản ánh đúng hơn thực tế kinh doanh” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

PV: Điện, than là mặt hàng chiến lược, liên quan mật thiết đến sản xuất của doanh nghiệp, cuộc sống của người dân. Vậy Bộ sẽ xử lý như thế nào về quan hệ giữa yêu cầu tăng giá và vấn đề đảm bảo đời sống xã hội, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:Chúng ta thực hiện theo cơ chế giá thị trường đối với hai mặt hàng này và phải có những tính toán hết sức thận trọng và cụ thể để vừa đảm bảo nguyên tắc giá thị trường nhưng không gây những biến động lớn đến sản xuất của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.

Với tinh thần đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có những lý do để kiến nghị việc điều chỉnh giá than phù hợp với tình hình của ngành điện. Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có kiến nghị điều chỉnh giá than cho phù hợp với điều kiện khai thác, sản xuất của ngành than.

Với hai ý kiến này, Bộ Công thương có trách nhiệm nghiên cứu và tính toán hết sức cụ thể để đảm bảo giá theo cơ chế thị trường và đặc biệt không gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến đời sống của người dân. Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính tính toán thực hiện các nguyên tắc đó để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Tôi tin rằng với tinh thần như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được những chỉ đạo mà Chính phủ đã đề ra đối với việc điều hành sản xuất và đảm bảo không gây tác động lớn đến đời sống của người dân.

PV: Như vậy, trong năm nay chắc chắn sẽ điều chỉnh giá điện, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ từng bước thực hiện theo cơ chế giá thị trường và phải tính toán cụ thể. Bởi bản thân giá điện không chỉ liên quan đến chi phí của ngành điện mà còn liên quan rất nhiều đến giá của các nguyên liệu đầu vào như khí, than, các chi phí về xây dựng, vận hành.

Hiện chúng tôi đang bàn bạc các phương án và cố gắng trong quý 1/2010 sẽ trình lên Thủ tướng CP những đề xuất, phương án khác nhau về các giá nguyên liệu, trong đó có giá điện và giá than.

PV:EVN có bốn phương án tăng giá điện theo các mức tăng giá than, thấp nhất là 6% và cao nhất là 13,81% . Vậy quan điểm của Bộ trưởng thì than sẽ tăng theo giá điện hay điện sẽ tăng theo giá than?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Các sản phẩm hàng hóa có sự phụ thuộc lẫn nhau, có thể đối với mặt hàng này, sản phẩm A là đầu vào và đối với sản phẩm khác A lại là đầu ra. Vì thế trong trường hợp này không thể nói đơn giản giá điện tăng vì giá than tăng và giá than tăng là vì các chi phí khác trong đó có giá điện tăng. Đây là quan hệ hữu cơ, rất gắn bó với nhau. Chính vì thế muốn tính toán tăng giá điện không phải chỉ có việc điều chỉnh giá than mà còn rất nhiều các chi phí khác nữa. Đó là nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Công thương và Tài chính phối hợp với nhau để phân tích, có những đề xuất phù hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Còn với đề xuất của ngành than, họ có những lý do để kiến nghị với Chính phủ về việc điều chỉnh giá than theo hướng tăng lên. Ngành điện cũng có những lý do để phân tích rằng thực hiện các phương án tăng giá than như vậy thì sẽ ảnh hưởng các mức độ khác nhau đến ngành điện.

Mỗi sản phẩm, mỗi ngành khi cân nhắc tính toán thì trước hết phải đảm bảo yêu cầu là thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc từng bước điều chỉnh giá của sản phẩm theo hướng cơ chế giá thị trường. Thứ hai, việc điều chỉnh không gây xáo trộn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Thứ ba, điều chỉnh giá thành và giá bán phải dựa trên những tính toán cụ thể, hợp lý, chi phí giá thành, chi phí sản xuất và lợi nhuận hợp lý.

PV:Thực hiện thị trường hóa giá bán than với hóa chất, phân bón và giấy đều có lộ trình (tăng làm nhiều đợt trong năm). Nhưng việc tăng giá bán than cho ngành điện được thực hiện một lúc với mức tăng gần gấp đôi có thể được xem là đột biến và gây xáo trộn đến thị trường không, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đúng là việc điều chỉnh giá bán than cho các ngành kể trên được thực hiện dần dần, từng bước. Chênh lệnh giá than với các sản phẩm này so với giá thị trường không lớn nên bước điều chỉnh linh hoạt, không gây xáo trộn lớn.

Thực tế, chúng ta đã duy trì một mức giá bán than trong thời gian dài đối với ngành điện. Nếu bây giờ điều chỉnh ngay giá than cho ngành điện theo đề xuất của ngành than thì mức tăng giá thành sản xuất và bán điện sẽ tương đối lớn. Trong trường hợp này, nếu tính toán không thận trọng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành điện, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và đời sống của người dân. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng, điều chỉnh giá than bán cung cấp cho ngành điện cần phải tính toán thận trọng.

PV:Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.