Thời điểm này, ở các xã vùng trọng điểm mía huyện Sơn Hòa như: Sơn Phước, Suối Trai, Ea Chà Rang... nhiều ngôi nhà luôn đóng cửa suốt ngày đêm. Người lớn rời làng đi nơi khác làm thuê. Con cái thì gửi nhờ hàng xóm. Làng vắng hơn kể từ sau khi thu hoạch xong vụ mía thất bát nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Bà Nguyễn Thị Hóa, 63 tuổi, ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, cho biết, phải đi làm thuê nhiều nơi, nếu cứ ở nhà trồng mía thì không có ăn. Mía không được giá nữa.
Giá mía rớt thảm người trồng mía lao đao. |
Tỉnh Phú Yên có vùng nguyên liệu mía lớn nhất miền Trung với gần 28.000 ha. Hàng nghìn gia đình sống dựa vào cây mía. Nhưng nay cuộc sống của người trồng mía đang lâm vào bế tắc. Hầu như gia đình nào cũng phải tìm sinh kế khác…
Mới đây, gia đình ông Nguyễn Quốc Hoàng, ở xã Sơn Hà trồng 1 ha mía, thu được 60 tấn mía. Giá mía nhà máy mua vào chỉ 820.000 đồng/tấn 10 chữ đường. Nhưng chỉ riêng khâu thu hoạch, mỗi tấn mía, ông Hoàng đã phải chi trả đến hơn 400.000 đồng, chiếm một nửa tiền bán mía. Chưa tính tiền công, chỉ riêng vốn đầu tư, ông đã lỗ 15 triệu đồng.
Ông Hoàng chưa bao giờ cảm nhận được “mía đắng” như lúc này: “Mười nhà thì cả 10 đều lỗ vốn, người thì lỗ từ 3-5 triệu, người thì lỗ 10 triệu. Năm vừa rồi không có lãi, vì Nhà máy mua giá mía thấp, cùng với đó bão lụt xảy ra nên mía không đạt năng suất”.
Không có tiền trả nợ, thiếu tiền trang trải cuộc sống nên chẳng còn ai nghĩ đến đầu tư cho ruộng mía. Vậy là, hàng loạt ruộng mía ở huyện Sơn Hòa trong tình trạng còi cọc.
Thu hoạch mía ở huyện Sơn Hòa tỉnh Phú Yên (Ảnh: báo Phú Yên) |
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía: “Trước mắt, chúng tôi đang yêu cầu các nhà máy gắn kết với người dân trên cơ sở vùng quy hoạch của mình. Nếu không gắn kết vào vùng quy hoạch thì sẽ không có hợp đồng đầu tư với người dân, như vậy không thể hiện được trách nhiệm của mình. Mà đã không thể hiện trách nhiệm thì chúng tôi phải xem xét lại vấn đề quy hoạch, nếu đã quy hoạch thì phải có trách nhiệm với người dân. Thứ 2, chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động đối với các nhà máy đường trên địa bàn để tiêu thụ mía cho dân cũng như tạo khả năng cho người dân tái đầu tư thông qua phía Nhà máy”.
Những giải pháp trước mắt đã có, nếu tỉnh Phú Yên không sớm triển khai thì khó tháo gỡ những khó khăn đang chồng chất của người trồng mía. Nếu nông dân bỏ mặc ruộng mía thì chắc chắn vụ tới, năng suất, chất lượng mía lại tiếp tục sụt giảm./.
Đường tồn kho, giá thấp khiến ngành mía đường chật vật
Ngành mía đường Đăk Lăk sẽ về đâu?