Sáng 28/9, tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ NN&PTNT phối hợp Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 22 năm phát triển ngành mía đường Việt Nam.
Trải qua 22 năm phát triển, thành tựu lớn nhất mà ngành mía đường đạt được là hoàn thành “Chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường” từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 đã đề ra; hình thành ngành công nghiệp mía đường, xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà” và giải quyết việc làm cho hàng triệu nông dân trồng mía.
Đời sống nông dân nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa được cải thiện, bộ mặt nông thôn những vùng có nhà máy đường có sự khởi sắc rõ ràng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn phải cơ cấu lại ngành mía đường |
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định có ý nghĩa sống còn đối với các nhà máy đường. Vì vậy, cần có chính sách trong hỗ trợ và liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng mía, đồng thời đa dạng các sản phẩm từ phụ phẩm của ngành mía đường…
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm, ngành đường muốn hội nhập được phải giảm được giá thành, hiện nay doanh nghiệp đang mua mía nguyên liệu của nông dân từ 10.000 – 11.000 đồng/kg, mức giá này không đủ bù đắp chi phí, chưa kể đến tích lũy.
Vì vậy, doanh nghiệp phải phát huy nội lực, áp dụng khoa học công nghệ để phát triển những sản phẩm sau đường từ phụ phẩm của ngành mía đường.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh việc phát huy nội lực của doanh nghiệp, việc tổ chức sản xuất lại cũng như những cơ chế, chính sách đối với ngành mía đường cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ban, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập của nông dân trồng mía, ngành mía đường cần cơ cấu lại. Những yếu kém về các khâu trồng mía, chế biến đường và tiêu thụ sản phẩm đường cần phải được chấn chỉnh.
“Cần nâng cao năng suất chất lượng của chế biến đường, trong đó chú trọng giảm chi phí từ khâu sản xuất đến ứng dụng công nghệ ép đường, hướng đến tăng sản lượng và giá trị. Đảm bảo chất lượng mía ở các vùng nguyên liệu phải đưa giống có “trữ đường” với năng suất cao vào trồng đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến đường”, Thứ trưởng Nam nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tùy theo điều kiện và lợi thế của từng vùng, các nhà máy đường thời gian tới cần lưu ý trong trồng những bộ giống mía phù hợp, liên kết với nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đây là những yếu tố quan trọng không chỉ một mình doanh nghiệp mà các địa phương trồng mía phải đặc biệt lưu ý.
Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều nay sẽ diễn ra hội thảo “Đổi mới công nghệ và chính sách phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam tầm nhìn 2030”./.
Cơ cấu lại ngành mía đường: Xu hướng tất yếu khi hội nhập