Tuy nhiên, từng công nghệ được áp dụng tại các trạm lại không giống nhau. VietinBank đã thí điểm thành công giải pháp tích hợp 3 công nghệ ETC vào một thiết bị.
Giải pháp cho các nhà đầu tư
Hiện, trên toàn quốc có hơn 70 trạm thu phí nhưng hầu hết các trạm chưa triển khai làn ETC. Một số trạm đã triển khai hệ thống ETC thì lại đang sử dụng các công nghệ khác nhau: DSRC Active - Hệ thống tương tác phát ra các vi sóng; DSRC Passive - Liên lạc hai chiều thông qua việc phản xạ các vi sóng và RFID - Hệ thống thu phí lái xe dựa trên việc xác định thẻ theo dõi hành trình. Do đó, việc tích hợp công nghệ, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí cũng như đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, sự khác biệt giữa các công nghệ của các trạm không thuận tiện cho người dân tham gia giao thông.
Để giải quyết những tồn tại này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị lên Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép Bộ GTVT triển khai các trạm ETC theo công nghệ RFID sử dụng thẻ e-Tag trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ phạm vi toàn quốc nhằm thống nhất một công nghệ (RFID) và khả năng liên thông giữa các trạm.
VietinBank cùng các đối tác đã nghiên cứu và triển khai tích hợp 3 công nghệ: Passive DSRC, Active DSRC và RFID trên cùng một hệ thống thu phí không dừng. Với những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình triển khai dịch vụ thu phí không dừng thời gian qua, VietinBank và các đơn vị được chọn đã triển khai thí điểm thành công giải pháp tích hợp 3 công nghệ thu phí ETC góp phần vào việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ tại Việt Nam trong tương lai.
Đa lợi ích với người dân
Với công nghệ mới này, người tham gia giao thông chỉ cần dùng 1 bộ thiết bị thu phí không dừng (OBU/ e-Tag) là đi qua được tất cả các trạm thu phí mà VietinBank đang cung cấp trên toàn quốc. Ngoài việc sử dụng OBU/e-Tag để trả phí cho hệ thống thu phí không dừng, khách hàng còn có thể sử dụng thẻ OBU/e-Tag để mua xăng dầu, trả tiền phí đỗ xe…
Thiết bị tích hợp công nghệ của VietinBank |
Việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng mới sẽ giảm chi phí cho đơn vị quản lý trạm thu phí: Theo ước tính, nếu áp dụng công nghệ thu phí không dừng liên trạm sẽ tiết kiệm được các chi phí do tinh giản nhân lực, chi phí phục vụ công tác kiểm đếm quản lý tiền thu phí hàng ngày, không tốn chi phí in ấn vé, cải tạo sửa chữa đường ít hơn, tiết kiệm chi phí cải tạo môi trường...
Theo kế hoạch của Bộ GTVT từ nay đến 30/6/2016, toàn bộ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14) sẽ phải triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC và phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) nhưng đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí.
Qua hệ thống thu phí tự động ETC tích hợp (3 trong 1) vào các trạm thu phí, MHI, Sojitz và VietinBank hướng đến việc tạo ra một mô hình kinh doanh mới liên quan đến các hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System, hay ITS). Điều này góp phần tạo ra mạng lưới thu phí không dừng liên trạm trên toàn quốc, tăng khả năng lưu thông và giảm ùn tắc tại các trạm thu phí. Bên cạnh đó còn giảm đáng kể ô nhiễm môi trường tại trạm thu phí do không phải dừng xe mỗi khi qua trạm; gia tăng tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân./.