Trong quá trình triển khai công nghệ thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trên toàn quốc, đại diện một số đơn vị đầu tư cho biết thực tế: Hiện nay tại một số trạm thu phí BOT đã triển khai hệ thống ETC nhưng đang sử dụng các công nghệ khác nhau như DSRC, RFID… nên các trạm không thể hoạt động do chưa có tính kết nối theo một quy chuẩn chung.
Vấn đề cấp thiết được các đơn vị đặt ra là cần phải xây dựng ngay một khung tiêu chuẩn áp dụng cho trạm thu phí không dừng. Các hệ thống lắp đặt phải được tương thích theo một tiêu chuẩn của Bộ GTVT, từ đó kết nối tạo ra khả năng liên thông và phát huy hiệu quả của hệ thống thu phí không dừng.
Theo ý kiến của các đơn vị tham gia đầu tư và vận hành hệ thống thu phí không dừng, việc lựa chọn công nghệ RFID theo định hướng chung của Bộ GTVT là phù hợp với tiến độ cũng như khả năng đầu tư. Tuy nhiên, hiện đang còn một số vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý trong thiết lập chữ kí điện tử, nạp thẻ và thanh toán điện tử qua kết nối ngân hàng cũng như hệ thống điều hành chung…
Các trạm thu phí BOT trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ triển khai tối thiểu 1/2 số làn thu phí ETC. (Ảnh minh họa: Internet) |
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các chủ đầu tư cần nhận thức tầm quan trọng của việc thu phí không dừng, luôn phải đặt phương châm tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng phương tiện khi tham gia hệ thống thu phí không dừng, do đó cần phải ứng dụng công nghệ tốt nhất cho vấn đề này.
Để xử lý những vướng mắc còn tồn tại, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (CadPro) trong tháng 3/2016 phải xây dựng tiêu chuẩn ETC cụ thể trình Vụ Khoa học công nghệ thẩm định.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giao cho Công ty Cổ phần Tasco triển khai đầu tư lắp toàn bộ thiết bị đọc thẻ cũng như hệ thống kết nối, trước mắt thực hiện tại các trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đơn vị này thực hiện bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thường xuyên, đảm bảo hệ thống hoạt động 24/24 giờ liên thông và liên tục.
Đồng thời, Công ty Cổ phần Tasco và VSTC xây dựng tiến độ triển khai thực hiện cụ thể gửi về Bộ GTVT trước ngày 20/3 đối với 28 trạm BOT sẽ triển khai thu phí không dừng, đảm bảo triển khai thu phí không dừng 50% mỗi trạm. Tasco và VSCT cũng phải có trách nhiệm kết nối với các công ty viễn thông để thực hiện cho được việc liên thông và chia sẽ dữ liệu đáp ứng sự minh bạch.
Đối với các trạm thu phí đã triển khai theo công nghệ DSRC, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu cần nghiên cứu tích hợp với công nghệ RFID và dần chuyển sang công nghệ RFID. Riêng các trạm chuẩn bị triển khai thu phí không dừng phải thống nhất chỉ sử dụng công nghệ RFID theo định hướng chung của Bộ GTVT.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT về việc triển khai các trạm thu phí không dừng sử dụng theo công nghệ RFID, đồng thời cho phép đầu tư hệ thống ETC vào tổng mức đầu tư các dự án giao thông BOT, đến ngày 30/6 tới đây, toàn bộ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải triển khai tối thiểu 1/2 số làn thu phí ETC; phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier), hết năm 2020 sẽ bỏ barier tại các thu phí.
Hiện nay trên toàn quốc có 72 trạm thu phí, riêng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã có 37 trạm. Thời gian qua, tại một số trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 đã xảy ra hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng do mật độ phương tiện qua trạm quá lớn. Trong khi đó, số lượng cửa qua các trạm còn hạn chế và đặc biệt trạm thu phí áp dụng công nghệ thu phí lạc hậu, chưa có làn thu phí không dừng./.