Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ PTDNNVV), trong đó có đề xuất mở rộng nguồn vốn cho Quỹ này và thay đổi phương thức cho vay vốn.

Mở rộng nguồn vốn điều lệ cho Quỹ

Theo giải trình của Bộ KHĐT, sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Quỹ (từ năm 2013) nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải quyết một phần nào khó khăn của các doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn (như vấn đề về tài sản bảo đảm, lãi suất vay vốn được cố định 7% trong suốt thời gian vay vốn của dự án tạo tính chủ động cho doanh nghiệp trong căn đối thu chi, quản lý dòng tiền dự án).

hang_viet_dwmf.jpg
Cả nước VN hiện có hơn 500.000 DNNVV(Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế đã bộc lộ một số hạn chế khiến Quỹ gặp vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động, làm chậm tiến độ thực hiện hỗ trợ DNNVV của Quỹ.

Chẳng hạn, thực tế cho thấy nguồn vốn điều lệ 2.000 tỷ của Quỹ là quá eo hẹp đối với nhu cầu hỗ trợ của hơn 500.000 DNNVV trên phạm vị toàn quốc. Bộ KHĐT cho biết, qua những lần làm việc với các Hiệp hội, DNNVV đều có kiến nghị cần tăng nguồn vốn cho Quỹ để đáp ứng được nhu cầu về vốn của các DNNVV. Đồng thời, theo kinh nghiệm Quốc tế của các nước cho thấy việc mở rộng các phương thức huy động vốn giúp Quỹ chủ động trong thực hiện Kế hoạch hoạt động và đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của DNNVV.

Do đó, dự thảo Quyết định bổ sung các phương thức huy động vốn cho Quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ (ngoài nguồn vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng do NSNN cấp), bao gồm: NSNN chi đầu tư phát triển hoặc chi sự nghiệp để bổ sung hoạt động hàng năm cho Quỹ, vốn NSNN cấp cho các dự án, chương trình, nhiệm vụ Chính phủ giao, vốn ODA Chính phủ giao, vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, vốn nhận ủy thác, hợp vốn, vốn đóng góp tự nguyện, vốn đầu tư của các tổ chức cá nhân, trong và ngoài nước.

Đổi phương thức cho vay

Bên cạnh đó, theo Bộ KHĐT, việc quy định Quỹ chỉ được hỗ trợ DNNVV thông qua mô hình ủy thác cho vay như hiện tại (theo Quyết định 601/QĐ-TTg) khiến Quỹ bị hạn chế trong việc huy động các nguồn lực, tiềm lực dồi dào trong và ngoài nước, cũng như việc triển khai hoạt động hỗ trợ sẽ gặp khó khăn, làm hạn chế các hình thức hỗ trợ tài chính mà Quỹ có thể đem lại cho DNNVV. Trong khi đó, các tổ chức hỗ trợ tài chính DNNVV quốc tế được phép hoạt động với các chức năng hỗ trợ tài chính đa dạng, kết hợp linh hoạt nhằm hỗ trợ DNNVV hiệu quả cao nhất như: cho vay trực tiếp, gián tiếp, bảo hiểm tín dụng, đầu tư mạo hiểm,….

Quỹ PTDNNVV cho vay theo 2 phương thức:

- Cho vay trực tiếp là việc doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp đề nghị Quỹ PTDNNVV cho  vay vốn, Quỹ trực tiếp thẩm định, ra quyết định cho vay và giải ngân cho DNNVV trên cơ sở những điều kiện mà hai bên thỏa thuận theo quy định của Quỹ.

- Cho vay gián tiếp là việc Quỹ thông qua các ngân hàng thương mại được Quỹ lựa chọn nhận vốn để thực hiện cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các quy định, điều kiện, tiêu chí do Quỹ ban hành.

- Cả 2 phương thức này đều cho vay không quá 85% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh đối với mỗi dự án của DNNVV.

Đồng thời, việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro (trong phạm vi kiểm soát được) và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thì mới phát huy tác dụng đối với nhóm doanh nghiệp đặc thù này.

Vì thế, Bộ KHĐT đề xuất đổi tên phương thức cho vay của Quỹ từ “ủy thác cho vay” thành phương thức “cho vay gián tiếp” thông qua Ngân hàng thương mại, “ngân hàng nhận ủy thác” thành “ngân hàng nhận vốn”.

Thời gian qua, do có sự khác biệt về nguyên tắc ủy thác giữa Thông tư số 30/2014/TT-NHNN và Quyết định 601/QĐ-TTg dẫn đến khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong hoạt động nhận ủy thác của Quỹ, gây kéo dài thời gian hoàn thiện khung pháp lý để đưa Quỹ đi vào hoạt động.

Cụ thể là: theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 6 Quyết định 601 thì các ngân hàng nhận ủy thác tự thẩm định, quyết định cho vay và chịu trách nhiệm rủi ro, được trích lập dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay DNNVV theo quy định.

Tuy nhiên, tại khoản 4, Điều 6 Quyết định này lại quy định các nội dung liên quan đến ủy thác cho vay được quy định tại hợp đồng ủy thác theo quy định hiện hành của NHNN. Theo quy định của NHNN, ngân hàng nhận ủy thác không chịu trách nhiệm rủi ro, phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với khoản nhận ủy thác (quy định tại Thông tư 30/2014/TT-NHNN ngày 6/11/2014).

Trong thực tế, việc cho vay ưu đãi của Quỹ PTDNNVV bản chất là hoạt động hỗ trợ của Chính phủ đến các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, hoạt động cho vay ủy thác của Quỹ không phải là họat động tín dụng; Quỹ không phải là tổ chức tín dụng và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng cũng như Thông tư số 30/2014/TT-NHNN.

Theo Bộ KHĐT, “kinh nghiệm quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, hoạt động cho vay của Quỹ thông qua các ngân hàng thương mại thực chất là cho vay gián tiếp. Do đó, việc sửa đổi thành “cho vay gián tiếp” là hoàn toàn hợp lý”./.