Theo đó, SMEDF sẽ triển khai 4 chương trình cho vay với tổng số vốn khoảng 660 tỷ đồng. Các chương trình gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản; hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí; hỗ trợ DN ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Mỗi DN sẽ được vay 10 - 25 tỷ đồng, thời gian vay từ 18-24 tháng.
DNNVV của Việt Nam còn kém cạnh tranh trên thị trường thế giới (Ảnh minh họa: KT) |
Giám đốc SMEDF Hoàng Thị Hồng cho biết, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 33% tổng thu ngân sách, 45% GDP, tạo ra 62% việc làm. Đa phần các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay không đáp ứng, thủ tục vay vốn phức tạp.
SMEDF được thành lập nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mức vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của quỹ tuy khiêm tốn nhưng là vốn mồi để thu hút đóng góp của các tổ chức khác cùng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tại hội thảo về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây, nhiều chuyên gia kiến nghị, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế “xin-cho”, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Hoạt động hỗ trợ DNNVV, theo nhiều khảo sát đánh giá, hiện chủ yếu mới tập trung vào việc khi DN gặp khó khăn, chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy DN phát triển bền vững./.