Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII – QHĐ VIII) vào ngày 19/3 vừa qua đã được trình Thủ tướng Chính phủ và đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Theo Dự thảo Quy hoạch, trong vòng 10 năm tới, mỗi năm ngành điện cần 13 tỷ USD vốn đầu tư cho cả nguồn và lưới điện. Đây là mức đầu tư lớn, cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng, QHĐ VIII mang tính mệnh lệnh hành chính, khi Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN giao nhiệm vụ cho các NHTM cho vay vượt 15% vốn tự có đối với khách hàng và 25% đối với 1 nhóm khách hàng khi đầu tư các dự án điện.
Bàn về điều này, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viên Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đề nghị này là vi phạm Luật Tổ chức tín dụng, bởi theo quy định của luật này, để đảm bảo rủi ro được san sẻ, các ngân hàng khi cho khách hàng vay không được vượt quá 15% vốn tự có hoặc 25% dư nợ đối với nhóm khách hàng có liên quan. Do vậy, đề xuất này thực chất nhằm mục tiêu bảo vệ chủ đầu tư vay vốn để làm các dự án nhiệt điện than.
“Một nhà máy nhiệt điện than công suất cỡ 600MW sẽ có mức đầu tư khoảng hơn 1 tỷ USD, trong khi vốn tự có hoặc coi như tự có của các NHTM lớn nhất hiện nay cũng chỉ vào khoảng hơn 3 tỷ USD. Nếu thực hiện chủ trương cho vay như vậy sẽ vi phạm Luật Tổ tổ chức tín dụng quy định không ai được can thiệp trực tiếp vào hoạt động cho vay của các NHTM. Cho vay theo chỉ định sẽ dẫn tới hoạt động ngân hàng trở nên méo mó, gây ra rủi ro, nguy hiểm và mất đi tính an toàn của cả hệ thống tài chính một khi chủ đầu tư có vấn đề”, ông Hòe cảnh báo.
Cũng theo ông Hòe, cho vay các dự án điện vượt quá quy định sẽ khiển các NHTM không cân đối được nguồn vốn, khi đó Chính phủ sẽ lại phải đi vay ODA hoặc đi vay vốn ưu đãi của các quốc gia phát triển. Trong khi hiện nay, các định chế tài chính lớn, các tổ chức phi ngân hàng đều đang thoái vốn khỏi ngành than, kể cả người dân cũng không ủng hộ việc thông qua ngân hàng cho vay vốn phát triển nhiệt điện than.
Một cơ chế chính sách cho thị trường điện cạnh tranh là cần thiết để thu hút vốn đầu tư xã hội hóa, FDI. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), thị trường điện cạnh tranh đem lại lợi ích cho tất cả các bên, cụ thể: Giải quyết được bài toán về giá điện minh bạch, hiệu quả; Tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; Tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn cho biết, QHĐ VIII dự kiến sẽ thực hiện theo cơ chế đấu thầu, trong khi các quy định về đấu thầu chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh cả về pháp lý lẫn kỹ thuật công nghệ. Các chỉ tiêu thông số đầu vào của dự án nguồn điện đưa ra đấu thầu rất cần có các chỉ tiêu thông số cụ thể về quy mô, công nghệ, vị trí và chế độ huy động công suất, năng lượng và giá mua điện. Đây là bài toán phức tạp khó có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang tiến tới thị trường chào giá cạnh tranh.
“Lưu ý rằng, với chế độ huy động công suất của các nguồn điện chạy nền dự kiến trong QHĐ VIII hiệu quả đầu tư sẽ giảm đáng kể, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Vì vậy bài toán huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành điện hiện đang rất khó khăn, trong giai đoạn sắp tới sẽ còn khó khăn gấp bội nên cần có những giải pháp tháo gỡ", chuyên gia quy hoạch điện ông Ngô Tuấn Kiệt khuyến cáo.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), dự báo nhu cầu phụ tải điện trong 10 năm tới của Việt Nam vẫn ở mức cao, đến năm 2030, công suất của hệ thống điện của cả nước sẽ đạt khoảng gần 140.000 MW, gấp đôi so với hiện nay. Vì vậy, Việt Nam cần nguồn lực đầu tư rất lớn cho nguồn điện cũng như các đường dây đồng bộ với hệ thống điện.
Đối với Đề án QHĐ VIII, Bộ Công Thương chỉ báo cáo ở mức độ tổng vốn huy động để thực hiện quy hoạch cũng như một số giải pháp chính để thực hiện quy hoạch. Đối với từng dự án điện sau này, Bộ Công Thương sẽ cùng với các chủ đầu tư sẽ phải báo cáo nghiên cứu và nghiên cứu khả thi, trong đó có việc phân tích tài chính kinh tế của từng dự án và đối nguồn vốn cần phải phân tích lãi suất như thế nào, nguồn vốn ở đâu… tất cả những chi tiết sẽ được tính toán cụ thể.
“Đối với việc huy động vốn, Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề xuất những giải pháp như tăng thêm khả năng tài chính nội bộ của các DN tham gia thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và ngành điện, tăng uy tín, tín nhiệm tài chính để có thể có khả năng vay vốn một cách thuận lợi hơn và với chi phí vốn thấp hơn. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp về cơ chế để có thể khuyến khích mọi thành phần kinh tế, DN trong nước, DN ngoài nước, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cơ sở hạ tầng của ngành điện...”, ông Dũng cho hay.
Phía Tư vấn của Bộ Công Thương cũng cho biết, trong Chương 18 của đề án đã đề xuất các cơ chế giải pháp để thu hút đầu tư, đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Quan trọng là cần hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh, để đảm bảo tính linh hoạt trong hệ thống tích hợp quy mô lớn nguồn điện gió và mặt trời, cơ cấu biểu giá điện cũng phải thay đổi để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo. Việc xây dựng các cơ chế và các giải pháp cần phải thực hiện ngay để đảm bảo thu hút đầu tư theo định hướng phát triển./.