Trong gần 10 năm trở lại đây, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã khiến hệ thống điện được vận hành ổn định, an toàn và tin cậy, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Cơ cấu nguồn theo chủ sở hữu khá đa đạng, có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tư nhân
Tuy nhiên, trong sự phát triển nhanh của đất nước, ngành điện ngày càng đối mặt với nhiều thách thức lớn như nhu cầu điện đang tăng trưởng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; hệ số đàn hồi điện/GDP còn ở mức cao; sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo dẫn tới thực tế công suất nguồn điện tại một số nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết.
Trong bối cảnh đó, việc lập Quy hoạch điện VIII được mong đợi sẽ đề ra các giải pháp toàn diện để tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển điện lực.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện – Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong Quy hoạch điện VIII, việc thiết kế hệ thống lưới truyền trải đảm bảo đi trước một bước. Trong đó, Quy hoạch đưa ra lộ trình xây dựng lưới truyền tải giai đoạn 2021-2030, định hướng tới 2031-2045; lập danh mục đường dây và trạm biến áp cấp điện phụ tải và lưới truyền tải đấu nối nguồn điện, nhất là hệ thống gom nguồn năng lượng tái tạo, giúp sớm triển khai chuẩn bị đầu tư dự án lưới truyền tải.
“Đang có sự thiếu cân đối giữa công suất nguồn đăng ký với phụ tải, giữa các vùng, tiểu vùng và các tỉnh. Các nguồn điện hiện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam. Đến năm 2030, Nam bộ và Nam Trung bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Nếu tất cả các nguồn đăng ký đầu tư thêm đều được phê duyệt (162,5 GW) thì tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư 137 GW (dư 162%)”, ông Cường cho hay.
Do vậy theo ông Cường, đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Lượng công suất nguồn còn lại xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045. Dự kiến đến năm 2030, miền Bắc có xu hướng bị thiếu nguồn, cần nhận điện từ vùng lân cận như Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Đến 2045, Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ là 2 khu vực nguồn lớn của cả nước, cần truyền tải đi xa tới các vùng khác.
Theo đó, ông Cường đưa ra 3 phương án truyền tải điện liên vùng. Phương án 1 là xây dựng thêm đường dây AC 500 kV mạch kép Nam Trung bộ - Bắc bộ có chiều dài khoảng 1.200 km, quy mô truyền tải 2.000 MW. Phương án 2: Xây dựng thêm đường dây DC 525 kV Nam Trung bộ - Bắc bộ dài 1.200 km, quy mô 2.000 MW. Phương án 3 là xây dựng thêm đường dây DC 800 kV Nam Trung bộ - Bắc bộ.
Phân tích từng phương án, ông Cường cho hay, phương án 1 AC 500 kV có mức chi phí đầu tư thấp, còn lại phương án 2 và 3 có vốn đầu tư cao hơn do chi phí của các trạm chuyển đổi AC-DC lớn. “Do vậy, chúng tôi đề xuất xem xét phương án 1 là phương án nâng cấp hệ thống truyền tải 500 kV Nam Trung bộ - Bắc bộ”.
Đề cập đến giá truyền tải điện, theo bà Lê Thị Thu Hà, phòng Phát triển Hệ thống điện – Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong giai đoạn từ năm 2020-2025 nhu cầu đầu tư rất lớn, các nguồn vay ODA chính đã dừng hẳn. Do vậy, cần xem xét giá truyền tải, điều chỉnh để các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị truyền tải tốt hơn nữa (xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận, tạo nguồn vốn tự có lớn hơn) để đáp ứng nhu cầu đầu tư của hệ thống.
“Giá truyền tải cần tăng từ 101,3 đồng/kWh năm 2019 lên mức 138 đồng/kWh năm 2025 và sau đó giảm còn 130 đồng/kWh giai đoạn 2026-2030. Vì vậy, vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 cần tới 133,3 tỉ USD. Trong đó, nguồn điện cần tới 96 tỉ USD, lưới điện cần gần 37,3 tỉ USD, tức mỗi năm cần 13,3 tỉ USD cho vốn đầu tư nguồn và lưới điện. Đến giai đoạn 2031 - 2045 , nhu cầu vốn đầu tư cần 184,1 tỉ USD, trong đó nguồn điện là 136,4 tỉ USD, lưới điện là 47,7 tỉ USD, mỗi năm cần 12,3 tỉ USD”, bà Hà cho hay
Cũng theo phân tích của bà Hà, khi chi phí cho nguồn và lưới điện tăng lên, chi phí sản xuất điện sẽ tăng theo. Cụ thể theo chi phí biên dài hạn của điện năng sẽ tăng từ hơn 7 cent/kWh hiện nay lên 9,2 cent/kWh vào năm 2030 và lên 9,6 cent/kWh vào năm 2045.
Trong đó, với riêng giá truyền tải nếu sản lượng điện truyền tải năm 2020 là 215 tỉ kWh, thì giá của khâu này cần tăng từ 101,3 đồng/kWh năm 2019 lên 138 đồng/kWh năm 2025 và giảm còn 130 đồng/kWh giai đoạn 2026 - 2030./.