Xe khách giường nằm đã xuất hiện trên thế giới từ lâu và được gọi là xe bus ngủ. Ở Mỹ được gọi là “Xe du lịch cao cấp”; Châu Âu gọi “Tàu khách đêm”.
Tại Việt Nam, loại hình này bắt đầu phát triển từ năm 2007 và cho đến nay, cả nước đã có khoảng 4.500 xe khách giường nằm đang hoạt động. Tuy nhiên, những vụ tai nạn gần đây liên quan đến loại hình xe này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi: nên chăng cần có một quy chuẩn riêng cho xe khách giường nằm để phù hợp với địa hình giao thông ở nước ta?.
Công ty Cổ Phần ô tô Trường Hải là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong Hiệp hội ô tô Việt Nam. Từ năm 2006, doanh nghiệp này đã bán ra thị trường hơn 2.600 xe giường nằm, trong đó nhiều xe chạy trên địa hình đồi núi ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các tuyến quốc lộ có đèo dốc.
Loại xe này cũng được trang bị hệ thống thắng điện từ Terca kết hợp với thắng ABS nên chạy trên địa hình phức tạp, có đèo dốc, độ an toàn vẫn rất cao. Ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải cho rằng: Hầu hết xe khách giường nằm phải làm tốt hơn so với qui chuẩn hiện hành, hướng đến sự tiện nghi và an toàn nhất, như vậy mới thu hút được khách hàng.
Ông Một nói: “Địa hình của nước mình chủ yếu là đồi núi nên nhà sản xuất nào cũng phải tính toán lợi ích cho khách hàng, đảm bảo lợi ích khi vận hành. Khi đề ra tiêu chuẩn, nhà sản xuất phải làm tốt hơn tiêu chuẩn. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm nghiên cứu để đưa ra sản phẩm tốt nhất mới thu hút khách hàng”.
Trên thực tế, hiện nay, hơn 90% xe chở khách liên tỉnh cự ly trên 300 km đều sử dụng xe giường nằm. Vì vậy, theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Vận tải Việt Đức, trước nhu cầu thị trường lớn như vậy, ngoài việc nghiên cứu hạ tầng giao thông an toàn, cần tổ chức nghiêncứu kỹ lưỡng thiết kế xe, cách quản lý điều hành loại hình xe này trong điều kiện địa hình, đường sá của Việt Nam.
Ông Tuấn cho rằng: Vì qui chuẩn của Việt Nam phần lớn đều tham khảo từ qui chuẩn của các nước, trong khi điều kiện hạ tầng giao thông ở các nước khác với Việt Nam nên cần có những bổ sung cho phù hợp. Bằng cách tiến hành kiểm toán an toàn các đặc tính cơ học, đặc tính kỹ thuật của xe khách giường nằm 2 tầng. Từ đó đưa ra các quy định khai thác để ngăn chặn từ trước các vụ tai nạn.
Ông Vũ Anh Tuấn nói: “Chúng ta phải nghiên cứu đầy đủ, khoa học để đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cho xe khách giường nằm. Xem trong điều kiện đường sá như thế nào, xe khách giường nằm 2 tầng vận hành, di chuyển an toàn”.
Theo các chuyên gia giao thông, hiện nay quy chuẩn về xe khách nói chung chỉ có quy chuẩn 09/2011 của Bộ Giao thông Vận tải.
Quy chuẩn này dùng chung cho tất cả các loại xe khách và chỉ có 1 điều khoản dành cho xe khách giường nằm, qui định việc lắp đặt giường nằm trên xe như thế nào. Tuy nhiên, không cần thiết phải đưa ra bộ quy chuẩn riêng cho xe khách giường nằm. Thay vào đó cần rà soát lại quy chuẩn chung và cụ thể hơn các điều khoản dành cho xe khách giường nằm. Chẳng hạn như nói rõ chất lượng giây đai an toàn, chất lượng nệm, góc độ nệm, thành vách hai bên phải bọc nhựa, hay búa thoát hiểm,…
PGS TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh nói: “Xe khách giường nằm hiện nay chỉ có một đặc điểm là độ cao toạ độ trọng tâm cao hơn so với xe khách ghế ngồi là 27mm. Độ cao này không ảnh hướng đến độ lật đổ của xe. Vì nó vẫn nằm trong góc lật đổ cho phép. Góc lật đổ cho phép là lớn hơn 35 độ. Xe khách giường nằm hiện nay là 40 độ. Cho nên, nếu cải tiến, chúng ta nên giảm thấp hạ độ trọng tâm một chút, nâng cao tính tiện nghi bên trong xe là được. Còn lại nó nằm trong quy chuẩn. Chúng ta cũng không nên ra một quy chuẩn riêng nữa mà dựa trên quy chuẩn cũ rồi cụ thể hơn”.
Trong khi chờ đợi đường sắt cải tổ và phát huy hiệu quả, xe khách giường nằm vẫn là một phương tiện vận tải đường dài chủ lực, hữu hiệu, tiện nghi và an toàn hiện nay cũng như nhiều năm tiếp theo. Vì vậy, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để có những quy định chặt chẽ về sản xuất, quản lý vận hành xe khách giường nằm đang là vấn đề bức thiết hiện nay./.