Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, để có thể thực sự “vào guồng”, Quảng Ninh vẫn cần phải giải quyết nhiều vấn đề cơ bản.

vov_quang_ninh_edws.jpg
Hạ Long sẽ được xây dựng trở thành thành phố thông minh đầu tiên của Quảng Ninh. (Ảnh: Trường Giang).

Trở thành địa phương đi đầu cả nước, Quảng Ninh đã sớm triển khai Đề án mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 với nhiều dự án quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, hạ tầng công nghệ thông tin… Đặc biệt, những đột phá trong xây dựng mô hình Chính quyền điện tử của Quảng Ninh được đánh giá cao: hiện tỉnh này đã có trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc gia, 100% điểm cầu truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến xã, 100% các cơ quan Nhà nước trong hệ thống Chính quyền điện tử, giảm trên 60% thời gian giải quyết công việc…

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia khi tham gia Chương trình Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam vừa qua, Quảng Ninh đang “thiếu và yếu” nhiều nền tảng cơ bản, như mô hình kiến trúc tổng thể thành phố thông minh hay giải pháp công nghệ nền tảng để đảm bảo sự tích hợp của các công nghệ trong quá trình quản lý điều hành của chính quyền.

PGS.TS. Trần Thị Như Hoa, Đại học Gachon (Hàn Quốc) lấy ví dụ, ngành Y tế Quảng Ninh đã có những bước tiến rất lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, như Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng xếp thứ 4 cả nước về cải tiến chất lượng bệnh viện. Mặc dù vậy, việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao chưa đột phá.

"Cần có cơ sở dữ liệu lớn về bệnh nhân để tạo được cơ sở chuẩn đoán bệnh nhân. Muốn y tế Quảng Ninh phát triển tốt hơn, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có nghĩa là nhờ tư vấn chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài mình đào tạo trong nước, cử đi nước ngoài học, sau đó có chuyên gia làm việc tại Việt Nam", PGS.TS. Trần Thị Như Hoa nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ và Khoa học tiên tiến Nhật Bản cho rằng, đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu là trở ngại lớn.

"Nếu không có nhân lực thì không có ai chạy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cả. Quảng Ninh phải tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu cụ thể là gì, đi với đó là phải nâng cao khả năng đào tạo ngay tại tỉnh để phục vụ được nhu cầu phát triển cao hơn nữa của tỉnh", PGS.TS. Hồ Anh Văn đề xuất.

Những thách thức còn nằm ở hạ tầng giao thông và môi trường thông minh. Quảng Ninh đặt ra lộ trình đến cuối năm 2020, thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh, nhưng theo các chuyên gia, trước đó, Hạ Long nên trở thành một thành phố đáng sống, cần sử dụng công nghệ để xử lý vấn đề nước thải, rác thải...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy lưu ý, Quảng Ninh, không nên lấy chuyện thành phố thông minh - du lịch thông minh để làm mục tiêu phát triển, mà phải lấy thành phố thông minh - công nghệ 4.0 là công cụ để thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, như vậy mới bền vững.

Để Đề án xây dựng thành phố thông minh thực sự mang lại hiệu quả, Quảng Ninh còn phải đối mặt với việc làm sao vận động người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đúng và tự nguyện tham gia.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, lấy người dân, du khách và doanh nghiệp là trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ mới là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển thành phố thông minh./.