Trong các tỉnh phía Nam thì Long An và Bình Dương là 2 tỉnh có kết quả tăng vượt bậc, nằm trong nhóm địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh rất tốt, top 5 trong Bảng xếp hạng. Trong khi, đó TP.HCM là đầu tàu kinh tế phía Nam nhưng thứ hạng vẫn dậm chân tại chỗ với vị trí 14.
Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 đưa Bình Dương lên đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng với tổng điểm là 70,16 điểm. Bình Dương là địa phương có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong bảng xếp hạng khi tăng 9 bậc so với năm 2019. Trong đó tiêu chí đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường tăng 1,22 điểm, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,91 điểm.
Kết quả này có được là do Bình Dương đã thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục về đầu tư; thực hiện công khai minh bạch cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư. Song song đó, Bình Dương cũng tăng cường sự phối hợp với các ngành, các cấp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết vướng mắc để các dự án nhanh đi vào hoạt động. Chính vì vậy, năm 2020 mặc dù kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng Bình Dương vẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được hơn 1 tỷ 850 triệu USD, vượt 31,8% so với kế hoạch năm.
Việc Bình Dương nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI rất tốt là tín hiệu vui đối với chính quyền và doanh nghiệp. Ông Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai ở Bình Dương cho rằng, kết quả này là nỗ lực rất lớn của chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính và kết nối tốt với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bình Dương cần cải thiện hơn nữa về tinh thần phục vụ doanh nghiệp:
“Bình Dương cần tiếp tục cải thiện tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp của cấp ở cấp xã, phường, thị trấn, huyện trong tỉnh. Bình Dương nhanh chóng cải thiện hạ tầng kết nối hạ tầng giữa Bình Dương với các tỉnh lân cận, nhất là TP.HCM, giảm chi phí logicstic, chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp”, ông Trọng nói.
Long An lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2020 với 70,37 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2019. Theo ý kiến của các doanh nghiệp thì đây là sự đánh giá xứng đáng đối với địa phương này, bởi thời gian qua Long An đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong điều hành kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chủ động tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp triển khai các dự án. Là địa phương năng động, tích cực, chủ động trong hợp tác quốc tế và tìm kiếm các cơ hội phát triển, ngay sau khi các làn sóng của đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, Long An đã sẵn sàng với nhiều dự án trọng điểm nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group - chủ đầu tư cảng Quốc tế Long An mong muốn: “Hạ tầng của Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những địa phương khu vực có hạng tầng kém nhất nước, khiến kinh tế của khu vực khó phát triển. Tôi mong rằng sắp tới có Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quyết liệt hơn để tỉnh Long An cũng như khu vực ĐBSCL phát triển đồng đều hợp lý để những đầu tư vừa qua mang tính hiệu quả. Đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông, qua đánh giá của PCI là vấn đề đề này còn có những khó khăn”.
So với năm 2019, chỉ số PCI năm 2020 của TPHCM, trung tâm kinh tế số một của cả nước không được cải thiện khi vẫn xếp ở vị trí thứ 14 với tổng điểm là 65,70 nhưng giảm gần 1,5 điểm so với năm 2019. Theo một số chuyên gia kinh tế việc TPHCM không có cải thiện trong bảng xếp hạng PCI là bởi thời gian gần đây, thành phố có nhiều điểm nghẽn, trong đó phần lớn liên quan đến thủ tục đất đai, bất động sản…
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Thành phố cũng đã thấy những điểm hạn chế hiện nay và đã đặt ra những mục tiêu để đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện chỉ số PCI thời gian sắp tới.
“Thành phố nên tập trung tháo gỡ những vướng mắc những dự án đầu tư hiện nay về thủ tục thủ tục để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp do tồn đọng 1 số năm. Thành phố có rất nhiều dự án do khách quan là vướng mắc do một số quy định nên một số dự án bị “đứng”. Thành phố phải tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không để 1 mình doanh nghiệp làm”, ông Lịch cho biết.
Kết quả này cho thấy nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã nỗ lực rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, kết nối giao thông là vấn đề mà các tỉnh, thành phía Nam đang vướng. Các địa phương cần có sự kết nối tốt với nhau và có sự đầu tư đồng bộ của bộ, ngành Trung ương. Riêng với TP.HCM-đầu tàu kinh tế của cả nước thì không chỉ cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh mà còn phải chủ động kết nối hạ tầng giao thông, liên kết kinh tế vùng để cùng phát triển./.