Đây là những con số mà theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là “chưa thể yên lòng” từ kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020.
Nỗ lực cải cách hành chính còn “gập ghềnh”
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Báo cáo PCI 2020 cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính trong những năm qua còn “gập ghềnh” khi còn một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội…
“Bức tranh cải cách đã có nhiều sắc màu tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những con số làm chúng ta chưa thể yên lòng. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 doanh nghiệp (DN) thì có 1 doanh nghiệp cho rằng, địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.
Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế.
“Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách – các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại, đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì và thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, chỉ số minh bạch, tiếp cận thông tin quan trọng, bao gồm các tài liệu quy hoạch, đã có sự cải thiện song vẫn còn nhiều dư địa để chính quyền các địa phương tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các loại thông tin quan trọng.
Việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn xung quanh mức 2,5 điểm và văn bản pháp lý lần lượt chỉ ở mức 2,54 điểm và 3,03 điểm trên thang điểm 5 (1. Không thể - 5. Rất dễ), chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó.
Chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh năm 2020 chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50, tăng nhẹ so với mức 31 điểm của năm 2016.
Dù đã giảm từ con số 66,3% của năm 2016, vẫn còn 57,4% doanh nghiệp trong năm 2020 phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.
Doanh nghiệp gặp khó khăn nhất khi tiếp cận các loại thông tin sau: bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%). Ngay cả các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành cũng có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin (24%).
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI cho biết, trong kết quả điều tra PCI nhiều năm liền, tính minh bạch là ít được cải thiện. Những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh như quy định pháp luật, thông tin về thuế thì dễ tiếp cận nhưng thông tin về quy hoạch, về kế hoạch, thông tin liên quan đến đất đai, đấu thầu thì tốc độ cải thiện vẫn còn chậm.
“Có thể về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố đều tốt, đều trang bị máy tính; hệ thống Internet, Chính phủ điện tử rất tích cực nhưng các DN vẫn cho rằng vẫn khó tiếp cận các thông tin, có thể cần phải có quan hệ, “ông này”, “bà kia” mới có thể tiếp cận. Chính vì vậy, chúng tôi thấy mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh có lẽ cần phải có những động lực mạnh mẽ hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nêu ý kiến.
Kết quả điều tra PCI 2020 cũng cho thấy, gần 45% doanh nghiệp cho biết, họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chi phí không chính thức trong vòng 4-5 năm qua đã có những thay đổi tích cực theo chiều hướng giảm rõ rệt, nhưng tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao và trên một số phương diện vẫn cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2020 là 32%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 54,1% năm 2020.
“Cảm nhận, định kiến của DN về sự phiền nhiễu, phiền hà mặc dù có giảm nhưng vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, thanh, kiểm tra cũng có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với nhiều DN, khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu DN, một số DN bị thanh, kiểm tra quá mức... Điều đáng buồn ở Việt Nam là những DN càng to, thành lập càng lâu thì tần suất bị thanh kiểm tra, gặp phiền nhiều càng nhiều hơn”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ.
Cần sự nỗ lực triệt để hơn
Theo Chủ tịch VCCI, việc cải cách của các tỉnh tuy có tiến bộ nhưng luôn phụ thuộc vào cải cách thể chế. Đây cũng là điều mà các chuyên gia PCI cho rằng cần nỗ lực làm triệt để hơn trong thời gian tới.
“Chúng ta đã có những thành công, tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục phải nỗ lực, chiếc cầu thang cải cách vẫn cần được bước tiếp lên. Cải cách của các địa phương phụ thuộc nhiều và thể chế. Chừng nào chưa có cải cách về thể chế thì rất khó cho cải cách của địa phương. Việc hoàn thành thang điểm 100 theo chỉ số đánh giá PCI càng về sau càng khó thực hiện”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo ông Lộc: "Thời gian tới, chúng ta tiếp tục đề nghị cải cách các chính sách sao cho minh bạch, không mâu thuẫn chồng chéo để tạo nên những đột phá lớn trong 5 – 10 năm tới trở thành nước giàu có".
TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: Việc “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đã được xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam. Và cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm góp phần vào thúc đẩy những đột phá thể chế này./.