Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái, 1 bao phân NPK loại 50 kg có giá khoảng 500.000 đồng. Nhưng tới nay, giá bao phân loại này đã tăng gấp đôi, lên 1 triệu đồng. Theo tính toán của ông, với mỗi ha cà phê, trung bình hợp tác xã sẽ bón khoảng 3 tạ phân, thì năm nay tổng chi phí cho 130 ha cà phê của đơn vị là 480 triệu đồng:
“Hàng năm, bà con thường kẹt vốn đầu tư thời điểm này. Vật tư nông nghiệp tăng cao khiến bà con rất khó khăn. Giá cao thì bà con tiết kiệm lại, phân thì không có hàng để mua, buộc phải giảm lượng phân bón. Cây cà phê bị đầu tư kém đi so với những năm trước. Giá cà phê có tăng một chút, nhưng thu nhập so với các năm thì không tăng, vì giá vật tư đầu vào cao” - ông Nguyễn Tấn Công chia sẻ.
Ông Lê Tấn Hùng- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết, từ đầu 2021 tới nay, giá cả của nhiều vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xăng dầu đều liên tục tăng cao. Trong đó, các thuốc bảo vệ thực vật tăng giá từ 15 đến 30%. Riêng phân hoá học, có nhiều loại tăng giá gấp đôi. Điều này khiến chi phí bón phân đối với mỗi ha cà phê, hồ tiêu bị tăng lên cả chục triệu đồng.
Nhằm đảm bảo bình ổn giá và chất lượng vật tư nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với một số đơn vị như quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, xử lý các cửa hàng có dấu hiệu nâng giá bất hợp lý, bán vật tư giả, kém chất lượng.
Theo ông Hùng, về phía nông dân, để hạn chế ảnh hưởng của giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, cân đối chi phí sản xuất, thì cần có giải pháp canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững đối với cây trồng. Trong đó, người dân cần ưu tiên giải pháp tưới tiết kiệm, trồng cỏ, lạc dại trong vườn để giữ độ tơi xốp và giữ ẩm cho đất. Đối với phân bón, ông Hùng khuyến cáo bà con ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để giảm chi phí.
"Thời gian qua, tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp huyện có văn bản hướng dẫn thường xuyên, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tối đa việc đầu tư phân bón hóa học, ưu tiên đầu tư phân hữu cơ; tận dụng các nguồn hữu cơ hiện có, các chế phẩm nông nghiệp, để ủ tận dụng, hạn chế việc đầu tư, nâng cao hiệu quả cho người dân” - ông Hùng cho biết thêm.
Thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giúp nông dân phần nào tiết kiệm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao như hiện nay./.