Phân bón là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng từ hơn 1 năm qua, giá các loại phân bón liên tục “leo thang” khiến bà con nông dân ở các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn.
Tại tỉnh Yên Bái, thời điểm hiện tại, có những loại phân bón giá tăng tới 100%, khiến chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Chưa đến mức bỏ hoang ruộng đồng, nhưng hầu hết các hộ nông dân đã phải “tằn tiện” mua phân bón một cách bất đắc dĩ.
Kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mỗi vụ sản xuất, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa thường nhập khoảng 30 tấn phân bón các loại để bán cho người dân. Thế nhưng khác với mọi năm, từ đầu vụ Đông Xuân đến nay, cửa hàng của bà Hòa chưa bán được 15 tấn.
Đề cập nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, giá phân bón các loại đều tăng cao nên khó bán. Bình thường người dân đến mua 10 kg/lần; có nhà mua 2 - 3 bao cho cả vụ; nhưng bây giờ người dân chỉ mua 5 kg và khi nào cần bón mới đến mua. “Khi giá phân rẻ người trồng quế, chè hay bất cứ cây gì cũng đầu tư mua để chăm bón, nhưng bây giờ giá phân bón đắt nên nhu cầu mua của người dân giảm đi một nửa”, bà Hòa cho biết.
Gia đình anh Hoàng Trung Thông ở thôn Khe Lếch, xã Hưng Khánh có 6 sào ruộng. Vụ Đông Xuân mọi năm, sau khi cấy khoảng 2 tuần là gia đình anh tiến hành dúi viên phân nén; sau đó, khi lúa bén rễ hồi xanh là làm cỏ, bón thúc để hỗ trợ việc đẻ nhánh. Tuy nhiên năm nay, trước việc giá vật tư phân bón đồng loạt tăng mạnh, chi phí cho mỗi sào ruộng tăng lên gấp đôi, gia đình buộc phải sử dụng phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh "tằn tiện" hơn.
“Giá phân năm nay tăng cao là một bất ngờ cho người dân. Năm ngoái giá phân dúi tầm 90.000 - 95.000 đồng/10kg nhưng năm nay lên 165.000 đồng/kg, thậm chí người mua sau một chút phải chịu giá 170.000 đồng/kg. Với mức tăng giá phân bón như hiện nay, cùng công chăm sóc cây trồng sau khi trừ chi phí chắc chắn thu nhập của người dân sẽ thấp hơn so với các vụ khác”, anh Thông chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà vẫn tăng 60-70% so với trước, có loại tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể như phân đạm urê từ 8.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/kg, phân NPK từ 4.400 đồng tăng lên 6.200 đồng/kg.... Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 50-70%. Các chủ đại lý, cơ sở kinh doanh và người dân các địa phương cho biết, giá nhiều loại phân bón hiện nay có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nhất là phân đạm.
Theo tính toán, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật chiếm từ 30%-40%, thậm chí cao hơn nếu dịch bệnh trên cây trồng bùng phát. Giá phân bón tăng cao khiến người trồng trọt phải “tằn tiện” trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chắc chắn sẽ có tác động đến năng suất, sản lượng, cũng như chất lượng đầu tư sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tre Bát độ Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết, bà con trong Hợp tác xã đang rất lăn tăn, bởi nếu tiếp tục đầu tư phân bón cho thâm canh, giá thành sau khi thu hoạch sẽ rất khó tính được lợi nhuận.
Toàn tỉnh Yên Bái đến nay đã gieo cấy được gần 20.000 ha lúa; hơn 14.600 ha ngô và trên 6.600 ha sắn, cùng nhiều loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác trong vụ Đông Xuân năm nay.
Trước thực trạng giá đầu vào vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều biện pháp giúp nông dân giảm chi phí đầu vào như tăng cường sử dụng phân hữu cơ; sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo định mức tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép…
Ông Phạm Đinh Vinh, Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết, ứng phó với giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, trước hết là người dân phải tăng cường sản xuất, sử dụng phân hữu cơ để thay thế phần nào phân bón vô cơ, từ đó mới đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng.
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Yên Bái hiện cũng đang tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Qua đó đảm bảo việc niêm yết giá bán công khai và không để xảy ra tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao, góp phần ổn định thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn./.