Gia đình anh Lò Văn Thạch ở bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu có 5.000 m2 trồng chè, cho sản lượng trên 10 tấn/năm. Thông thường, để cây chè phát triển tốt và cho sản lượng cao, gia đình mỗi năm phải bón từ 2 - 3 tấn phân đạm. Năm nay, giá phân bón tăng quá cao, có thời điểm lên tới 20.000đ/kg, nên gia đình chỉ làm cỏ, vun gốc để chè phát triển được đến đâu thì thu hái đến đó, vì thế sản lượng ước chỉ bằng một nửa so với mọi năm và giá chè loại 1 chỉ giao động từ 6.000 – 7.000đ/kg.
“Giá phân tăng cao, gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí chúng tôi không dám mua phân về bón, mà không bón thì sản lượng bị giảm nhiều, chắc chỉ còn khoảng 40 – 50% so với mọi năm. Bây giờ gần như gia đình không có nguồn thu nên chúng tôi cũng rất lo lắng”, anh Lò Văn Thạch chia sẻ.
Cùng chung nỗi băn khoăn như anh Thạch, anh Lường Văn Thân ở bản Chiềng Ve, xã Mường É cho hay: Giá phân bón năm nay tăng cao, gia đình phải khắc phục bằng cách trộn phân chuồng với phân đạm để bón thúc cho cây. Năm nay, gia đình sẽ chia làm 3 đợt bón, mỗi đợt khoảng 5 tạ phân cho 6.000 m2 trồng chè của gia đình để hy vọng vẫn giữ nguyên được sản lượng như mọi năm.
“Trộn phân bò, phân trâu với phân đạm thì tốn thời gian hơn bởi vì bón cũng lâu hơn; còn bón phân đạm thì chỉ cần cuốc qua rồi rắc vào nên nhanh hơn”, anh Lường Văn Thân nói.
Chưa bao giờ phân bón tăng giá như năm nay, là lời khẳng định của anh Nguyễn Hồng Tráng, quản lý tại của hàng vật tư Tráng Hương, Tiểu khu 10, Thị trấn Thuận Châu. Theo anh Tráng, nếu như năm ngoái, giá phân đạm như đầu trâu, Hà Bắc chỉ 300.000 – 400.000 đồng/ bao 50 kg, thì nay đã lên giá tới tận 900.000 – 1.000.000 đồng/bao 50 kg tùy loại. Sức mua của người dân cũng giảm rõ rệt, 3 tháng đầu năm, sức mua chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm 2021.
“Trước đây, để bón cho cây rau màu thì người ta mua 5 – 10kg, hoặc với cây trồng khác thì người ta mua một vài tạ hoặc 1 - 2 bao. Thế nhưng thời điểm này, đối với các loại rau màu người ta chỉ mua 5 lạng đến 1 cân mà vẫn phải đắn đo. Thực tế là bây giờ sản phẩm nông nghiệp giá cả không tăng nên người dân không thể đầu tư làm được, vì thế họ chỉ bón cầm chừng”, anh Nguyễn Hồng Tráng cho hay.
Là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn nhất của tỉnh Sơn La, Thuận Châu hiện có hơn 1.400 ha chè, trong đó gần 1.200 ha chè cho thu hoạch, năng suất ước đạt hơn 1tấn/ha, sản lượng hơn 11.500 tấn.
“Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng phối hợp với các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm lượng phân bón hóa học, phân bón vô cơ và tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, đặc biệt là tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp và các loại phân chuồng, sử dụng men vi sinh để ủ tạo nguồn phân hữu cơ để phục vụ cho sản xuất, đảm bảo tăng năng suất cây trồng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết.
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao kỷ lục như hiện nay, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, người dân nên sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng liều lượng, kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng. Đồng thời, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng, vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí, nhưng vẫn bảo đảm năng suất cây trồng./.