Hiện nay, không chỉ đối với sản phẩm sữa bột công thức nhập ngoại, ngay cả những sản phẩm sữa tươi sản xuất trong nước cũng trong tình trạng “đánh lận con đen”.

Người tiêu dùng vẫn khó phân biệt đâu là sữa tươi tiệt trùng, đâu là sữa tiệt trùng hay gọi là sữa hoàn nguyên. Điều này xuất phát từ thực tế là người tiêu dùng không được cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm sữa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lợi dụng ghi mập mờ thông tin chuộc lợi.

Thị trường đang chứng kiến sự gia tăng của hàng chục nhãn hiệu sữa. Khảo sát của phóng viên tại nhiều cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), không kể mặt hàng sữa bột công thức, chỉ riêng loại sữa nước cũng có đến hàng chục loại khác nhau, cả trong nước và nhập khẩu. Đủ các chủng loại như sữa tươi 100%, sữa tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống…

tri-mun-cho-nam-2.jpg
Người tiêu dùng vẫn quen quan niệm sữa nước là sữa tươi.

Có một thực tế là, người tiêu dùng dù đã sử dụng sữa tươi nhiều năm song vẫn không phân biệt được các chủng loại sữa như vậy mà chỉ nghĩ rằng, đó là sữa tươi. Vì vậy khi đứng trước vô số chủng loại sữa, người mua chỉ biết lựa chọn theo thói quen mà không có bất kỳ kiến thức nào về sữa.

Anh Bùi Anh Tuấn, một khách hàng cho biết, mua sữa cho con uống thì quen loại nào rồi thì cứ mua loại đó, không phân biệt được loại nào với loại nào. Theo anh Tuấn, thói quen uống loại nào thấy ngon thì cứ thế mà dùng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm sữa nước có trên thị trường đều là sữa tươi theo cách hiểu của nhiều người tiêu dùng. PGS,TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh ATTP (Bộ Y tế) cho biết, hiện sữa nước được chia thành 3 loại là sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng hay còn gọi là sữa hoàn nguyên.

Trong đó, sữa tươi thanh trùng là sữa bổ dưỡng nhiều vi chất dinh dưỡng nhất, được tinh chế từ nguồn sữa tươi thô, được xử lý dưới nhiệt độ 750 độ C trong vòng 12-20 phút rồi được giữ mát ở 40 độ C. Hạn sử dụng của loại sữa này chỉ trong vòng 10 -15 ngày.

Còn sữa tươi tiệt trùng là loại sữa được chế biến từ nguồn sữa tươi thô - được xử lý tiệt trùng dưới nhiệt độ cao, và có thể pha chế thêm sữa bột và chất béo nhưng không quá 1% tính trên 100g sản phẩm, dễ sử dụng với đa số người dân.

Còn lại là sữa tiệt trùng hay sữa hoàn nguyên là sữa nước được pha trộn  từ nguyên liệu sữa bột và các thành phần khác, qua xử lý ở nhiệt độ cao để tiệt trùng. Loại này bổ sung ít chất dinh dưỡng hơn cả. Nhưng bởi sự nhập nhằng tên gọi nên người tiêu dùng khó phân biệt. Vì vậy, tư thương thường lợi dụng “đánh lận con đen” để chuộc lợi.

“Doanh nghiệp hay lừa đảo nhất là sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên hay sữa tiệt trùng. Vì cứ gọi là sữa tươi tiệt trùng đấy nhưng nó trộn đến 20-30% sữa bột vào nhưng vẫn bảo là sữa tươi để bán với giá cắt cổ. Thường sữa tươi thì giá tương đối ổn định vì tất cả nguyên liệu sữa tươi là giống nhau, chỉ có chất lượng khác nhau 1 chút khi là sữa bò hay sữa dê chỉ có sữa hoàn nguyên tiệt trùng được chế biến từ sữa bột nên nguyên liệu loại tốt hay không tốt thì giá cả thay đổi” - PGS. TS Trần Đáng cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, quy định hiện nay về tiêu chuẩn sản phẩm sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa hoàn nguyên và sữa pha lại tiệt trùng dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Đồng thời, việc quản lý chất lượng sữa nước hiện nay chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất, còn khâu  hậu kiểm thì chỉ là kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một số chỉ tiêu ghi trên bao bì mà ít có kiểm tra phân tích mẫu theo định kỳ thường xuyên.

Do đó, nhiều doanh nghiệp sữa thiếu hướng dẫn cũng như kiểm tra quá trình vận chuyển, bảo quản sữa trước khi đến tay người tiêu dùng, trong khi người tiêu dùng rất khó phân biệt được chất lượng sữa.

“Làm sao những quy định của pháp luật không những luật bảo vệ người tiêu dùng và những luật có liên quan, luật an toàn thực phẩm, luật quy chuẩn chất lượng, luật chất lượng hàng hóa phải được thực thi trên thực tế thì quyền lợi của người tiêu dùng mới được đảm bảo” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị.

Thống kê cho thấy, năm 2009, tổng lượng sữa tươi cả nước khoảng 270 triệu lít, trong khi đó lượng sữa tươi mà các doanh nghiệp đưa ra thị trường lên đến 452,8 triệu lít, chưa kể đến các sản phẩm khác phải sử dụng nguyên liệu sữa tươi như sữa đặc có đường, sữa chua…. Do vậy nguồn nguyên liệu bột sữa phải chiếm đến 70% trong các sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp sữa.

Vậy để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về nguồn gốc sản phẩm, tránh việc người tiêu dùng đang phải trả giá quá cao để mua sữa tươi mà thực tế là uống sữa bột pha chế./.