Sau hàng loạt mặt hàng sữa ngoại nhập kém chất lượng bị phát hiện, mà mới nhất việc sữa Danlait nhập khẩu từ Pháp bị thu hồi và đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng, một lần nữa là lời cảnh báo về chất lượng sữa nhập ngoại hiện nay. Dù bị cấm mua bán trên thị trường nội địa, song hoạt động mua bán sữa nhập theo hình thức xách tay vẫn rất sôi động, khiến thị trường sữa trở nên lộn xộn. Bên cạnh đó khâu quản lý còn nhiều yếu kém khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng.
Hiện nay trên thị trường Hà Nội có rất nhiều loại sữa. Ngoài những hãng quen thuộc như Vinamilk, Nutifood, Medjonson… thì có đến vài chục hãng sữa khác, chủ yếu là sữa ngoại nhập từ 2 nguồn hàng nhập khẩu và xách tay từ nước ngoài về.
Dù sữa xách tay là hàng hóa không được nhập khẩu theo đường chính ngạch và bị nghiêm cấm mua bán trên thị trường nội địa, nhưng khi hỏi hàng xách tay thì có thể tìm thấy tại bất cứ cửa hàng nào. Tại một cửa hàng sữa trên phố Trương Định, Hà Nội, khi được hỏi về sữa xách tay thì người bán hàng đã giới thiệu rất nhiều nhãn hiệu từ các nước Đức, Australi, Nhật… và luôn quảng cáo là hàng chất lượng tốt nhất(!?).
Không chỉ vậy, loại sữa này hiện còn được bán rộng rãi trên mạng. Chỉ cần một cú kích chuột thì có vô vàn địa chỉ cung cấp sữa xách tay, với hàng loạt sản phẩm đủ nhãn hiệu với lời quảng cáo hấp dẫn. Gọi điện đến một trong số địa chỉ có cung cấp sữa xách tay thì được người bán giới thiệu nhiều sản phẩm sữa, mua số lượng bao nhiêu cũng có, cung cấp lâu dài nếu có nhu cầu:
“Hay là em chuyển sang sữa Nhật đi, cái đó mát và có nhiều chất xơ em ạ. Hàng của chị xách tay về, tiếp viên xách từ đầu Sài Gòn, sau đó người nhà đóng thùng chuyển ra đây cho chị. Hàng của chị đủ để cung cấp cho em bé uống hàng ngày. Ngày xưa bán buôn nhiều, nhưng không thích nữa thì chỉ bán lẻ thôi. Có sữa Đức, sữa Anh và sữa Pháp” – một phụ nữ khi phóng viên gọi điện đến đã mời chào.
Câu hỏi đặt ra là tại sao sữa nhập bằng hình thức xách tay, không phải là con đường chính thống mà lại được cung cấp trên thị trường thoải mái như vậy? Điều đó cho thấy việc các chủ hàng kinh doanh, buôn bán sữa lợi dụng sự đa dạng, phong phú của các mặt hàng để trà trộn bán những loại sữa ngoài luồng vẫn là một thực tế. Đặc biệt, thị trường sữa online lại được giao dịch quá dễ dàng, gần như chưa có cơ quan nào kiểm soát như hiện nay.
Thực tế này cũng xuất phát từ chính tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng khi họ quan niệm sữa xách tay mới đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng hơn sữa nội, đã vô tình tiếp tay cho những người kinh doanh tranh thủ kiếm lời.
PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng: Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để quản lý, bởi chất lượng loại sữa này đang bị thả nổi. Vì vậy người tiêu dùng phải thận trọng khi sử dụng loại sữa này. “Theo tôi tất cả hàng xách tay về mà chưa được công bố tiêu chuẩn, chưa được kiểm định của cơ quan Nhà nước không dùng”, ông Đáng nói.
Dư luận vẫn chưa hết xôn xao qua sự việc sữa dê Danlail bị phanh phui. Tuy chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về vụ việc này, nhưng ngay cả sản phẩm sữa nhập khẩu chính ngạch được kiểm tra nghiêm ngặt qua các bước như xin giấy phép chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, xin giấy phép nhập khẩu, kiểm nghiệm tại cảng, sau khi hải quan cho thông quan thì hậu kiểm là các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm mà vẫn còn tình trạng “con voi lọt qua lỗ kim” thì hơn lúc nào hết, vấn đề tiêu dùng thông thái lại được đặt lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam khuyến cáo: “Xu hướng dùng sữa nội bây giờ rất phổ biến, vì sữa ngoại thì an toàn thực phẩm không đảm bảo, giá cả đắt. Vì vậy, người tiêu dùng khi sử dụng sữa phải đặt vấn đề tiết kiệm và có kiến thức sử dụng giữa sữa nội và sữa ngoại. Ngoài xem xét thông tin trên bao bì, thì người tiêu dùng nên tùy theo hoàn cảnh mà sử dụng một cách hợp lý”.
Đầu tháng 3 tới, giá sữa lại đồng loạt tăng thêm 10% mà lý do muôn thuở các hãng sữa đưa ra vẫn là chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhân công tăng. Nhưng sự tăng giá có hợp lý hay không thì dư luận đang chờ đợi các cơ quan chức năng, khi mà nhiều hãng sữa đã “né” sự kiểm soát giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em bằng cách không dùng từ sữa trên nhãn hàng hóa, mà thay bằng sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung như sản phẩm sữa Danlait là một minh chứng.
Bởi vậy, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đang là giải pháp hàng đầu trước tình trạng nhiều loại hàng hóa đang lập lờ “đánh lận con đen” như hiện nay./.