Mỗi khi mùa hè đến, nhiều hộ gia đình ở các tỉnh thành phố trên cả nước lại đồng loạt kêu ca về tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Nhiều gia đình tiền điện tăng cao gấp 2 đến 3 lần so với những tháng trước bởi cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến đang được áp dụng trong những năm qua.
Anh Thành tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết hóa đơn tiền điện tháng 4/2020 của gia đình chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng tới tháng 5, tiền điện tăng gấp đôi, lên mức 2,2 triệu đồng.
Anh Duy tại Hà Đông (Hà Nội) thì chia sẻ bình thường tiền điện của gia đình anh dao động từ 215.000đ đến 350.000đ mỗi tháng nhưng cứ đến những tháng mùa nóng hàng năm thì tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
Vấn đề hóa đơn tiền điện của các gia đình tăng mạnh luôn trở nên “nóng bỏng” trong những tháng mùa hè
Theo đó, trong tháng 6 vừa qua, dù được hỗ trợ tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hóa đơn tiền điện của gia đình anh vẫn hết 483.000 đồng, hóa đơn tiền điện tháng 7 hết 505.000đ. Anh Duy cũng thừa nhận, việc tính giá điện theo bậc thang như hiện nay gây nhiều khó khăn cho những người sử dụng bởi nhiều lúc không thực sự hiểu hết cách tính này. Anh Duy bày tỏ hy vọng bên cạnh cách tính điện theo bậc thang như hiện nay thì ngành điện cũng nên sớm áp dụng cách tính điện 1 giá để các hộ gia đình có thêm lựa chọn. Bởi theo anh, cách tính điện 1 giá sẽ giúp các hộ gia đình dễ dàng tính được số tiền điện mình phải trả mỗi tháng hơn là cách tính theo bậc thang lũy tiến như hiện nay. Cách tính này cũng giúp các gia đình dễ dàng điều tiết lượng điện năng sử dụng mỗi tháng.
Trước việc nhiều hộ gia đình đồng loạt khiếu nại, phàn nàn về tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp hai đến ba lần mỗi khi mùa hè đến và đề xuất về việc sớm áp dụng điện sinh hoạt 1 giá; trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đang hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện, các Bộ ngành. Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III năm 2020.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất cho khách hàng được quyền lựa chọn giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ có một mức giá, không có bậc thang. Giá bán lẻ bình quân các hộ sinh hoạt sau khi điều chỉnh bằng so với mức giá đang áp dụng tại Quyết định 648/QĐ-BCT. “Chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, trình để chính thức áp dụng từ đầu năm 2021”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết trong các tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7 năm 2020 do thời tiết nắng nóng kéo dài kỷ lục nên hóa đơn tiền diện của nhiều gia đình tăng cao. Theo đó, đã có hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Trong tháng 6/2020 số khách hàng có điện tiêu thụ tăng từ 30% trở lên là 7,63 triệu khách hàng so với cả tháng 5/2020. Tỉ lệ tăng cao nhất ở Hà Nội, miền Bắc và miền Trung do yếu tố nắng nóng. Số khách hàng theo các mức tăng đều cao hơn của cả tháng 5/2020. Cũng trong thời gian qua đã có nhiều thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt về hoá đơn tiền điện tăng cao.
“Qua kiểm tra, rà soát tình hình thực tế, Bộ Công Thương thấy rằng một trong những nguyên nhân gây ra thắc mắc của nhân dân là do những sai sót trong ghi chỉ số tiêu thụ điện, lập hóa đơn tiền điện” - ông Hải cho biết thêm./.