Hôm nay (13/3) bế mạc lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, chủ đề “Hội tụ tinh hoa-phát huy bản sắc-liên kết phát triển”. Nếu như hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc là đề cập đến tiềm năng của Tây Nguyên, của ngành cà phê, thì Liên kết phát triển lại là mệnh lệnh, để ngành cà phê có đủ sức mạnh vươn tầm thế giới, khắc phụ nhược điểm cố hữu là mạnh về lượng, yếu về chất.
Tây Nguyên là vùng cà phê lớn nhất Việt Nam (Ảnh minh họa: KT) |
Điều đáng nói là mệnh lệnh này đã được ban ra từ lâu, doanh nghiệp và người dân hiểu được tầm quan trọng của liên kết, nhưng việc thực hiện lại ì ạch.
Một trong những người nhận được nhiều câu hỏi nhất trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ sáu là Tiến Sĩ Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cơ quan hiểu rõ chân tơ kẽ tóc của ngành cà phê ở khu vực, nơi chiếm 90% sản lượng cà phê cả nước. Câu hỏi tiến sĩ Trương Hồng nhận được nhiều nhất, là làm sao để chất lượng cà phê Việt Nam cũng nổi tiếng như năng suất và sản lượng? Và tiến sĩ Trương Hồng lấy việc phân tích cái hay của chủ đề “Liên kết phát triển” để làm câu trả lời.
TS. Hồng cho rằng, cần gom các hộ sản xuất đơn lẻ thành hợp tác xã, thành doanh nghiệp nông nghiệp, để quản lý từ đầu vào, kỹ thuật đến đầu ra… Trên thực tế, đầu vào bây giờ không phải quá tốt, người nông dân vẫn sử dụng vật tư theo cảm tính, đôi khi dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Tấn Nguyên, phụ trách kinh doanh Công ty cà phê Đắk Man, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sớm nhất vào ngành cà phê Đak Lak, vấn đề liên kết để phát triển đã đặt ra từ lâu ở địa phương. Nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa có sự bền vững, dù có 40.000 hộ nông dân tham gia, trên diện tích 64.000 ha, bằng gần 1/3 diện tích toàn tỉnh.
Sau khi nêu thực tế, ông Nguyên cho rằng, điều này sẽ chỉ được khắc phục khi vai trò kết nối, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước được thể hiện tích cực hơn.
Đưa tới những thiết bị chế biến cà phê rất hiện đại dự Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê tại Buôn Ma Thuột, ông Bùi Phong Lưu, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng cho rằng, không có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Nhà nước, quan hệ liên kết khó mà được tạo lập và đi vào bền vững thực chất.Cà phê Buôn Ma Thuột: Chuyện 100 năm và những héc-ta bạc tỷ
Đến dự lễ hội năm nay, đông nhất là nông dân ở các vùng cà phê. Trong đó có Hoàng Ngọc Trí, một thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp dựa trên chính vườn cà phê của mình, ở huyện Đak Hà, tỉnh KonTum. Anh Trí cho biết, gia đình đã thực hiện quy trình canh tác hoàn toàn hữu cơ trên vườn cà phê rộng 5 héc ta, chỉ thu hái cà phê khi đã chín mọng để chế biến thành cà phê rang xay, mang nhãn hiệu riêng.
Anh Trí cũng mở trang Web để giới thiệu và bán trực tuyên sản phẩm. Năm 2014 và 2015, cách làm này đã đạt được thành công bước đầu, nhưng năm 2016, trời mưa kéo dài, thiếu thiết bị sấy, chât lượng nguyên liệu giảm, không đủ tiêu chuẩn chế biến. Hoàng Ngọc Trí cho biết, nếu tự bỏ vốn đầu tư máy sấy thì không hiệu quả, vì cả năm chỉ sử dụng có một lần. Còn liên kết nhiều hộ khác để cùng đầu tư, thì cần sự hỗ trợ của những chính sách phù hợp.
Liên kết để phát triển là mệnh lệnh được đưa tới từ thị trường cà phê đầy khắc nghiệt. Cà phê Tây Nguyên cũng đã đi được những bước đầu tiên trong liên kết. Trong đó, riêng Đăk Lăk đã có 226.000 tấn được sản xuất theo cách này, chiếm một nửa sản lượng của tỉnh, bán với giá cao hơn giá niêm yết trên các sàn cà phê từ 80 - 600 USD/tấn. Tuy nhiên, tiến độ như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu, một nửa sản lượng của tỉnh vẫn bị trừ lùi, có khi tới 80 USD mỗi tấn.
Với những liên kết đã thành lập cũng tồn tại điều đáng lo, đó là chưa bền vững vì thiếu chất keo kết nối là chính sách và sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước. Hội tụ tinh hoa-Phát huy bản sắc- Liên kết phát triển là chủ đề rất có ý nghĩa. Nhưng nếu có thêm chủ đề “phát huy trách nhiệm”, ngành cà phê Việt Nam sẽ mạnh hơn, những lễ hội cà phê sẽ cuốn hút hơn./.Cà phê phát triển nhanh thiếu bền vững tiềm ẩn nhiều rủi ro