Có một sự trùng hợp thú vị: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017 được tổ chức đúng vào năm thứ 100 kể từ khi những cây cà phê Robusta đầu tiên cắm rễ trên cao nguyên Đăk Lăk.

vov_caphe1_qoqx.jpg
Ông Hồ Sỹ Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Phước An - doanh nghiệp có nhiều công nhân, hộ nhận khoán là tỷ phú.

Từ những đồn điền nhỏ do người Pháp lập nên, cà phê đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trở thành một tên tuổi trên thị trường thế giới, góp phần đưa Việt Nam vươn lên thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.

Hơn cả chuyện thứ hạng, Đăk Lăk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, đã đạt tới trình độ sản xuất đáng nể, sáng tạo ra một hệ sinh thái cà phê rất đặc biệt, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng giá trị kinh tế lên gấp từ 2 đến 10 lần so với truyền thống. Đó có thể được coi là cuộc cách mạng mới, được ghi nhận ở cái nôi 100 tuổi của cà phê Buôn Ma Thuột.

Thơm cả trời Âu

Từ Buôn Ma Thuột đi về hướng đông của Đăk Lăk, suốt từ km 10 đến km 30, quốc lộ 26, mùa này hoa cà phê nở trắng trời.

Trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê, anh Ngô Xuân Tam trở thành một trong số  nông dân tỷ phú trên vùng đất cà phê Buôn Ma Thuột.

100 năm rồi, cà phê đã nở hoa ở đây, kể từ khi những cây cà phê đầu tiên của Compagnie Agricole D'asie (Công ty nông nghiệp Á Châu-CADA) và Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois – (công ty Cao nguyên Đông Dương-CHPI) được trồng vào năm 1916-1917.

Quy mô chỉ vài chục hécta nên lượng cà phê thu được lúc đó là rất ít. Nhưng khi được đưa về chính quốc Pháp chế biến, tiêu thụ, cà phê CADA Ban Mê Thuột (Buôn Ma Thuột bây giờ) đem lại kết quả không ngờ. Sản phẩm trồng trên vùng cao nguyên heo hút ở xứ An Nam xa xôi lại có vị đậm hương nồng vượt ngoài sự mong đợi của các công ty Pháp.  

Sức hấp dẫn của Cà phê Ban Mê Thuột khiến các ông chủ nhanh chóng mở thêm những đồn điền mới. Đến năm 1931, đã có thêm 26 đồn điền được thành lập, tổng diện tích 2.130 ha (riêng đồn điền CADA chiếm 1.000 ha). Cà phê Robusta chỉ chiếm 30% vào năm này, nhưng do đặc biệt phù hợp khí hậu, đã không ngừng lấn lướt để rồi hoàn toàn soán ngôi cà phê Arabiaca vào những năm sau đó.

Đến năm 1975, tổng diện tích cà phê ở Đắk Lắk đã tăng lên 8.600 ha, cho sản lượng trên 11.000 tấn, hầu hết là cà phê vối Robusta. Qua xuất khẩu và đặc biệt là qua đường du lịch, hạt cà phê Ban Mê Thuột đã đến được nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều người thực sự ngưỡng mộ chất lượng và hương vị thơm ngon của sản phẩm.

Khiếm khuyết duy nhất của Cà phê Ban Mê Thuột trước Giải phóng là nó chủ yếu đem đến lợi nhuận cho giới chủ. Đời sống của phu đồn điền cà phê không khá gì hơn phu đồn điền cao su-“khi đi trai tráng, khi về bủng beo”. Cùng với thu nhập thấp, 60% số họ đã vàng võ, suy kiệt thậm chí bỏ mạng sau những trận sốt rét triền miên.

Thủ phủ cà phê CADA giờ đã rất khác xưa

Ông Hồ Sỹ Trung, giám đốc Công ty Cà phê Phước An cho biết, sau ngày Giải phóng, công ty tiếp quản 400 ha cà phê của đồn điền CADA cũ, sau đó phát triển lên hơn 1 nghìn ha. Với nhiều đợt chia tách những năm sau đó, Cà phê Phước An trở về với diện tích 400 ha ban đầu, cùng với đó là toàn bộ kho bãi, trụ sở, nhà xưởng chế biến của CADA xưa.

Hương cà phê Buôn Ma thuột vẫn thơm ngát trên vùng đất canh tác 100 năm

“Nhưng giờ đổi mới hết rồi”-Ông Chung khẳng định. “Cà phê cũ đã được Phước An tái canh hoàn toàn, kỹ thuật chăm sóc cũng khác hẳn. Béc tưới cũ của CADA, chúng tôi gọi là “béc tưới tư bản”, chỉ tưới xa được sáu, bảy mét. Béc tưới mới của công ty hiện nay có thể hơn 20 mét. Công nghệ mà Phước An đang sử dụng là công chế biến ướt hiện đại. Nhà xưởng cũ giờ chỉ là lưu niệm, với một hệ thống sấy được sản xuất tại Anh Quốc năm 1920. Trụ sở cũ với đồ dùng xưa cũng đóng cửa từ lâu. Công ty đã chuyển toàn bộ cho Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch để xây dựng thành một bảo tàng”.

Ông Phan Bạch Châu, một người lớn lên ở Đồn Điền Cada trước 1945, 65 năm sau quay trở lại vùng đất này, đã thốt lên rằng : Cada vẫn nguyên màu đất đỏ quen thuộc thuở xưa, vẫn màu xanh ngút ngàn của cây cà phê và nhiều loại cây khác trồng... Không giống xưa là con đường nhựa đã thay cho con đường đất, những ngôi nhà bê tông đã thay thế cho những căn nhà gỗ nhà tranh... Cây cà phê ở đây vẫn vậy. Mặc dù đã bao lần thay giống sây hạt hơn nhưng vẫn giữ nguyên những sắc màu quen thuộc. Nhưng đấy là cảm nhận của ông Châu vào năm 2010.

Vào thời điểm bây giờ, cà phê CADA-Phước An đã hoàn toàn khác. Từ vị thế đầu sóng, ngọn gió hứng chịu nhiều khắc nghiệt của thiên tai và thị trường, Cây vương giả của cao nguyên Đăk Lăk đã chấp nhận “người bảo hộ”, đó là cây sầu riêng và cây bơ, cùng sẻ chia đất-nước trong một khu vườn.

Ở Phước An, sầu riêng được trồng xen từ năm 2005 trở lại đây. Với loại cây phòng hộ mới,  cà phê tránh được nắng, được gió, được hạn hán; thu nhập từ sầu riêng giúp người trồng cà phê không phải xốc nảy, lao đao mỗi khi giá thị trường biến động. Trong môi trường ít áp lực cho cả cây và người, chất lượng cà phê tăng lên rõ rệt. Theo đó là hiệu quả kinh tế. Ông Hồ Sỹ Trung, Giám đốc Công ty THHH MTV cà phê Phước An cho biết, toàn bộ 400 héc ta của công ty, đều đã được trồng xen sầu riêng và đều được cấp chứng nhận chất lượng UTZ, sản phẩm cà phê thu được luôn có giá cao hơn thị trường quốc tế từ 600 đến 800 đô la mỗi tấn.

Hai loại cây này rất hợp nhau nên trung bình 5 năm qua, mỗi héc ta cho thu hoạch 3 tấn cà phê nhân và 25 tấn quả sầu riêng, trị giá từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng. Riêng năm 2016, sầu riêng được giá nên doanh thu mỗi héc ta trung bình đạt….1 tỷ đồng! Ông Trung khẳng định, cộng sinh cà phê-sầu riêng là thành công không thể chối cãi. Bởi vẫn vườn cà phê 30 năm tuổi ấy, nếu không có sầu riêng che bóng, năng suất chỉ còn dưới 2 tấn 1 héc ta. Và với một số lô cà phê già, khi nhổ bỏ để trồng thuần sầu riêng, tỷ lệ chết đã lên đến 80%. Năng suất những cây sống sót cũng chỉ bằng non nửa những cây có cà phê sống cùng.

Hệ sinh thái cà phê-sầu riêng không chỉ có ở vùng cà phê CADA-Phước An mà đã trải rộng các hướng Nam, Bắc và Đông bắc thành phố Buôn Ma Thuột, ở các huyện Cư Kuin, Krông Buk, Krông Năng, Ea Hleo… và nơi nào cũng gặt hái thành công. Cái đẹp, cái “chất” của cà phê Ban Mê

Trong vườn cà phê rợp bóng mát của 120 cây sầu riêng đang thời sung sức, anh Ngô Xuân Tam, công nhân Công ty cà phê Phước An cho biết, với 3 tấn cà phê nhân và 30 tấn sầu riêng trong 1 héc ta nhận khoán của công ty, vụ vừa rồi anh đạt doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng. Trong khi đó, số phải “nộp sản” chỉ là 7 tạ cà phê nhân, trị giá 30 triệu đồng, đúng bằng “con số số lẻ tẻ” mà gia đình có được.

Cổ phiếu Cada lên sàn-Cà phê Ban Mê Thuột đã nổi tiếng thế giới từ giữa thế kỷ 20

“Xen canh sầu riêng với cà phê, nên công nhân ở đây hầu như nhà lầu xe hơi gần hết rồi. Nhưng thấy thoải mái nhất là làm cà phê, nhưng chẳng còn lo cà phê bị ép giá. Cứ đủng đỉnh, lúc nào thấy phù hợp thì bán ”, anh Tam cho biết.

CADA-cái nôi của cà phê Robusta ở Đăk Lăk giờ tràn ngập tự tin với những vườn cây đã canh tác suốt 100 năm của mình. Không chỉ doanh nghiệp tin vào cái đúng của hướng đi nay, các nhà khoa học ở Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng khẳng định đây là hướng đúng. Không chỉ với sầu riêng, cà phê còn phát triển tốt hơn khi trồng chung với nhiều loại cây giá trị cao khác, như hồ tiêu, măng cụt, bơ, mít, macca… một hệ thống canh tác đa tầng, vừa nâng được gấp nhiều lần hiệu quả kinh tế, vừa tạo được giá trị môi trường lớn -đó là tiết kiệm nước tưới, giảm xói mòn đất.

Tất nhiên vẫn còn thách thức ở phía trước nếu nhân rộng mô hình này cho cả Tây Nguyên mà rõ rệt nhất là bệnh hại và thị trường. Tuy nhiên, trong thách thức cũng có thuận lợi, bởi với quy mô lớn, sản lượng nhiều, hai thách thức này càng có điều kiện để được nghiên cứu, giải quyết ổn thoả hơn. Khi ấy, nông dân sẽ thu được lợi ích tối đa trên đồng ruộng. Doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ, xúc tiến thị trường để có được thặng dư xứng đáng.

Một ngành cà phê dựa trên nền canh tác đa tầng sinh thái, mang hơi hướng của hệ sinh thái tự nhiên sẽ giống như có thêm nhiều chân chống khác, để vững vàng trước mọi sức ép và biến động, vươn tầm trên thị trường thế giới./.