Khi lãi suất của Mỹ cao hơn và đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh cùng việc giá dầu tăng đột biến, chính phủ các nước Philippines đến Malaysia phải đối mặt với nợ tăng cao.

Bức tranh tăng trưởng đã bớt màu hồng, đồng nghĩa với mục tiêu ngân sách các nước này bị đe dọa.

Kết quả là các nước vay nhiều hơn khi mà lãi suất gia tăng, gây thêm áp lực căng thẳng tài chính lên các chính phủ.

1_tham_hut_zcqo.jpg
Ngân sách nhiều nước Đông Nam Á ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. (Ảnh: Bloomberg)

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã chi hàng tỷ USD cho các dự án đường sắt, đường bộ trước khi thị trường biến động. Ví dụ điển hình là Indonesia, đang nỗ lực thu gọn kế hoạch chi tiêu nhằm giữ ổn định thâm hụt ngân sách.

Bài toán ngân sách của nhiều nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam cũng đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, theo Bloomberg.

Việt Nam

Mục tiêu thâm hụt ngân sách 2018: 3,7% GDP

Ước tính của Moody's: 5% GDP

Moody's dự đoán thâm hụt thương mại của Đông Nam Á năm 2018. (Ảnh: Bloomberg)

Được coi là ngôi sao đang lên của Đông Nam Á, Việt Nam được Fitch nâng xếp hạng mức tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên BB hồi tháng 5. Mức xếp hạng cao hơn nhờ tỷ lệ dự trữ ngoại hối và những tăng trưởng mạnh mẽ gần đây. Tuy nhiên, triển vọng tài chính lại là vấn đề đáng lo ngại.

Fitch ước tính thâm hụt ngân sách của Việt Nam vào khoảng 4,6% năm 2018, cao hơn mức trung bình là 3,2% đối với các quốc gia xếp hạng tín nhiệm BB và mức 3,7% mà chính phủ đặt ra.

Theo Fitch, Việt Nam cần tập trung ổn định và cải cách cơ cấu hơn là cố tăng trưởng nhanh để duy trì xếp hạng của mình.

Malaysia

Mục tiêu thâm hụt ngân sách 2018: 2,8% GDP

Ước tính của Moody's: 2,7% GDP

Thủ tướng Mahathir mới lên của Malaysia đã đưa ra lời hứa loại bỏ 6% thuế hàng hóa, dịch vụ và tái lập trợ cấp nhiên liệu. Điều này gây ra lo ngại đối với ngân sách nước này.

Trọng tâm của chính phủ là giảm nợ. Chính quyền Malaysia cũng hứa sẽ bù đắp khoản thu này đồng thời hủy bỏ một số dự án cơ sở hạ tầng lớn. Theo ước tính của Moody's, khoản nợ lên đến 50,8% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn tất cả các quốc gia xếp hạng A-.

Philippines

Mục tiêu thâm hụt ngân sách 2018: 3% GDP

Ước tính của Moody's: 3% GDP

Chính phủ Philippines dốc sức chi tiêu mặc đồng peso sụt giảm. (Ảnh: Bloomberg)

Chương trình "Xây dựng, xây dựng và xây dựng" ("Build, build, build") của Tổng thống Rodrigo Duterte đang tiêu tốn quá nhiều ngân khố quốc gia, theo một số nhà phân tích.

Kế hoạch về cơ sở hạ tầng đầy tham vọng rất cần thiết nhằm nâng cấp sân bay, đường bộ, đường sắt thì nó cũng làm tiêu hao tài khoản quốc gia và gây áp lực lên ngân sách.

Kế hoạch vay nợ của Philippines đề xuất cho năm tới cao hơn 19% so với năm nay. Những lo ngại về thâm hụt là một yếu tố khiến việc bán trái phiếu chính phủ không thành công trong tháng qua. Đồng peso của nước này cũng xếp hạng giảm mạnh nhất châu Á với 6,6% so với đồng USD.

Indonesia

Mục tiêu thâm hụt ngân sách 2018: 2,19% GDP

Ước tính của Moody's: 2,4% GDP

Để ổn định tiền tệ và rút ngắn khoảng cách chênh lệch hiện tại, chính phủ Indonesia đang thu hẹp quy mô đối với một số dự án cơ sở hạ tầng lớn yêu cầu thiết bị vốn nhập khẩu. Ngoài ra, trợ giá xăng dầu cũng là một vấn đề đối với nước này./.