Reuters dẫn nguồn thân cận cho biết Saudi Arabia vừa yêu cầu các ngân hàng nộp các đề xuất nhằm mở rộng khoản vay với số tiền từ 6 – 8 tỷ USD trong 5 năm nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách kỷ lục do giá dầu thấp kéo dài.

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia vẫn chưa đưa ra chưa bình luận gì về thông tin trên.

Trước đó, đã có thông tin Saudi Arabia yêu cầu các ngân hàng thảo luận về ý tưởng một khoản vay quốc tế, song chi tiết như số tiền vay và thời gian vay không được tiết lộ.

arabia_gtzx.jpg
Đây là khoản vay lớn đầu tiên của Saudi Arabia trong vòng 1 thập kỷ qua

Năm 2015, thâm hụt ngân sách của quốc gia Trung Đông là 100 tỷ USD. Chính phủ Saudi Arabia cố gắng lấp khoảng trống ngân sách bằng cách sử dụng dự trữ ngoại hối và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với tốc độ sụt giảm ngân sách hiện tại, số tài sản dự trữ chỉ có thể kéo dài thêm được vài năm, trong khi đó việc phát hành trái phiếu đã bắt đầu phải chịu áp lực thanh khoản từ hệ thống ngân hàng.

Theo giới phân tích, tổng khoản vay chính phủ của sáu nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu ở vùng Vịnh lên đến 20 tỷ USD trong năm nay. Đây là sự thay đổi lớn so với những năm trước, khi các “ông trùm” dầu mỏ giàu có này thường xuyên cho các nước khác vay tiền.

Cả sáu nước vùng Vịnh đều lên kế hoạch vay mượn nước ngoài để đối phó với giá dầu thấp.

Vào giữa tháng 2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đã hạ hai bậc xếp hạng của Saudi Arabia, xuống mức A-. Hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn khác là Moody’s và Fitch vẫn đang đánh giá tình hình của quốc gia Trung Đông này. Tuần trước, hãng Moody’s thông báo đặt Saudi Arabia vào nhóm nước có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm./.