Một trong những mục đích của việc đánh thuế là để phân phối lại thu nhập, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công. Công dân có nghĩa vụ đóng thuế nhưng cũng có quyền được biết đồng tiền của họ được sử dụng thế nào? Nhà nước vay tiền về chi tiêu, đầu tư không hiệu quả và tham nhũng về bản chất là dân cũng phải trả dần những khoản vay này thông qua thuế.
Người dân đóng thuế, chịu những khoản nợ mà bản thân họ không được hưởng quyền lợi gì. Ngoài tiền thuế, tiền vay khi xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT ra đời, người dân phải chịu một khoản phí nữa khi muốn đi lại. Người dân có quyền hỏi tiền của họ đã đi đâu? Khoản nợ mà họ phải gánh đã được sử dụng vào việc gì?
Người dân phải chịu phí rất lớn khi những trạm BOT dày đặc trên cả nước. |
Khi người dân đi lại bằng phương tiện cá nhân, đi bằng phương tiện như xe khách hoặc sử dụng hàng hóa đều phải trả một khoản phí qua trạm thu phí. Các chi phí qua các trạm BOT này về bản chất là loại thuế gián thu.
Bên cạnh hình thực đầu tư BOT, đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng cũng có những thiệt thòi về phía người dân. Đất là đất công và đất đai là sở hữu toàn dân, tức là đất cũng của nhân dân thì ngay hành động lấy tài sản của dân đổi lấy hạ tầng nhưng sau đó người dân lại phải trả phí để đi lại dường như là một điều phi lý?
Tất cả những cái thiệt thòi đều về phía người dân. Và phải chăng đất là của chính quyền đương nhiệm, họ dường như có toàn quyền hành động.
Bộ Tài chính gần đây đã xây dựng phương án ngăn chặn, công bố lấy ý kiến xây dựng dự thảo về Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy định rõ việc đổi tài sản công lấy hạ tầng này. Dự thảo Nghị định cho hay, một trong các nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công là “chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép" theo quy định của pháp luật và việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đến đây một câu hỏi đặt ra cơ quan nào sẽ giám sát việc làm của “cơ quan có thẩm quyền?” Nếu “cơ quan có thẩm quyền” bắt tay với chủ đầu tư để chia chác thì điều gì sẽ xảy ra? Thực ra cơ quan có thẩm quyền thì bản chất là người đứng đầu có thẩm quyền, như vậy nếu người có thẩm quyền nhiều quyền thế mới dẫn đến tranh giành mua bán cái quyền lực đó. Như vậy, cần có một cơ chế giám sát quyền lực rất hoàn hảo.
Vấn đề là người dân và người có quyền đều không nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình và một khi ý niệm “đất công” hoặc “tài sản công” không được minh bạch thì dù “lò có cháy to” cũng không đốt hết được tham nhũng.
Bộ GTVT thừa nhận quá trình triển khai các dự án BOT và BT có một số tồn tại của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Các sai sót có thể kể đến như: nhầm lẫn một số đơn giá định mức, hạng mục khối lượng trong thẩm định tổng mức đầu tư, tổ chức khởi công công trình khi còn thiếu thủ tục, sai sót về phê duyệt thiết kế, dự toán và quản lý đầu tư của nhà đầu tư ....
Kiểu thừa nhận chung chung này là không nhận gì cả! Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng dự án nhận được, hoặc nhà đầu tư lại đi vay ngân hàng tiền để thực hiện dự án.
Câu hỏi đặt ra là Nhà nước cũng vay rất nhiêu tiền ở trong nước và ngoài nước để đầu tư vào lĩnh vực gì? Tại sao hạ tầng cần đầu tư từ vốn ngân sách lại được đầu tư theo hình thức công - tư, rồi bắt dân phải chịu phí rất lớn khi những trạm BOT dầy đặc trên cả nước?
Sai phạm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông chủ yếu ở thủ tục đấu thầu
Công khai kết luận thanh tra một số dự án BT, BOT ở TP. Hồ Chí Minh